Kinh doanh - Tài chính

Thị trường cho vay thay thế: Trống vắng dù đã xác định được "kẻ dẫn đầu"

An Vũ 03/07/2025 13:57

Đa số khách hàng sử dụng dịch vụ cho vay thay thế là người không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng truyền thống. Theo suy đoán, lượng khách hàng của thị trường này có thể lên tới 25 triệu người. Dù vậy, đây vẫn là một thị trường khá... trống vắng.

Sân chơi rộng...

Trong báo cáo cuối năm 2024, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết cơ sở dữ liệu đã ghi nhận trên 57 triệu hồ sơ khách hàng vay, mức độ bao phủ TTTD đạt khoảng 73,9% trên tổng dân số trưởng thành. Như vậy, còn tới gần 30% người trong độ tuổi trưởng thành chưa có thông tin tín dụng - một căn cứ đặc biệt quan trọng để các ngân hàng có thể duyệt vay khi họ có nhu cầu.

Hơn nữa, không phải ai trong số hơn 57 triệu người có thông tin tín dụng cũng đáp ứng được các điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Từ những số liệu trên, có thể ước tính số lượng người không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng có thể đạt mức 25 triệu người và như thế, cho vay "dưới chuẩn" là một phân khúc thị trường có quy mô lớn.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2023 cũng chỉ ra điều tương tự. Cụ thể, có hơn 62% dân số sống ở nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống. Đến cuối năm 2024, một khảo sát do EY Việt Nam - công ty thành viên của một trong bốn tập đoàn tư vấn và nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới - cho biết 42% người dưới chuẩn ngân hàng (underbank) đã từng sử dụng các dịch vụ vay vốn không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi… trong vòng một năm trở lại đây. Từ hai con số này, có thể thấy nhu cầu vay "dưới chuẩn" dù lớn nhưng chưa được phục vụ một cách đầy đủ, rộng khắp.

Nhìn một cách rộng hơn, không chỉ thị trường cho vay dưới chuẩn tại Việt Nam "vừa rộng, vừa vắng" mà thị trường cho vay tiêu dùng nói chung cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam nằm top cao nhất trên thế giới, ở mức 136,9% năm 2023 và 134% năm 2024.

Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn ngành tính đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD), chỉ chiếm hơn 10% GDP, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc (hơn 40% GDP) hay Hong Kong (hơn 20%).

Nhưng vẫn vắng tay chơi

Tài chính thay thế hay cho vay thay thế là khái niệm quen thuộc trên thế giới nhưng chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Cơ bản, đây là hình thức vay với thủ tục đơn giản, khoản vay nhỏ, thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu tài chính tiện ích, bình dân.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Fiin Group thì các hình thức cho vay thay thế phổ biến ở Việt Nam hiện tại gồm cho vay ngang hàng (P2P Lending), cho vay ngắn ngày (PayDay Loan), mua trước trả sau (BNPL) và nổi bật nhất, chiếm tới gần 60% cơ cấu là cho vay dựa trên tài sản (title lending). Quy mô phân khúc cho vay dựa trên tài sản đảm bảo đang chiếm tới gần 60% quy mô thị trường cho vay thay thế và trong đó có sự góp mặt của cả hai hình thức cho vay là truyền thống (cầm đồ truyền thống) và cho vay dựa trên trên nền tảng công nghệ (cầm đồ công nghệ), giống như thị trường vận tải tồn tại song song cả hai hình thức taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Báo cáo của Fiin Group cũng nhận định, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn vị cho vay cầm cố dựa trên nền tảng công nghệ có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ. Dẫn đầu trong phân khúc này là chuỗi cửa hàng F88 với hai sản phẩm vay là vay bằng đăng ký xe máy, ô tô. Các chuỗi cho vay tương tự F88 có Srisawad, Người Bạn Vàng, True Money Vay, Happy Money, Vietmoney... Dù chỉ tập trung vào hai sản phẩm nhưng về tổng thể, doanh nghiệp này còn đang tạm bỏ xa các đối thủ khác với một khoảng cách an toàn. Điều này được minh chứng qua một vài con số như mạng lưới, F88 đã xây dựng gần 900 PGD tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc trong khi đơn vị được cho là xếp thứ 2 mới chỉ đạt 120 PGD theo công bố trên website của chính họ. Về dư nợ, năm 2024, dư nợ cho vay của F88 vượt mức 4.585 tỷ đồng trong khi một số chuỗi khác chỉ đạt dư nợ dưới 50 tỷ đồng.

Ngoài mạng lưới và dư nợ, F88 còn có một vài lợi thế khác mà nổi bật nhất là nguồn vốn và CNTT. Thời gian gần đây, doanh nghiệp này đã liên tục công bố việc huy động vốn thành công từ các quỹ đầu tư ngoại như quỹ Mekong Capital, Granite Oak, VOI và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác như Lendable, Lending Ark Asia Secured Private Debt Holdings Limited và GreenArc Capital. F88 cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT, số hoá.

Lãnh đạo F88 cho biết họ đang hoàn thiện một kho dữ liệu tín dụng từ hàng triệu khách hàng, cho phép đơn vị triển khai hệ thống chấm điểm tín dụng độc quyền, phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng "dưới chuẩn".

Một số chuyên gia cho rằng nếu thực hiện được điều này, F88 sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ, giúp đánh giá rủi ro chính xác hơn, đưa ra các quyết định cho vay hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tín dụng và tối ưu hóa chi phí vận hành.

Với nền tảng công nghệ và dữ liệu đang có, F88 có thể tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm tài chính chứ không chỉ dừng lại ở cho vay cầm cố. Hơn nữa, việc tái cung cấp dịch vụ chéo (cross-selling) khi khách hàng cũ quay lại là một chiến lược then chốt, giúp F88 tối ưu hóa giá trị vòng đời khách hàng và xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững.

Dù đã bứt phá khá nhanh nhưng chính lãnh đạo F88 đã thừa nhận "còn rất nhiều việc phải giải quyết" bởi nhìn nhận một cách khách quan, công bằng thị trường cho vay "dưới chuẩn" tại Việt Nam dù rộng nhưng mới ở mức định hình chứ chưa đạt độ bền vững cần thiết. Cần thêm những cú bứt phá như F88 đã thực hiện để giúp thị trường này sớm ổn định, cân bằng và đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người lao động phổ thông, lao dộng tự do dưới chuẩn ngân hàng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thị trường cho vay thay thế: Trống vắng dù đã xác định được "kẻ dẫn đầu"
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO