(CLO) Với dự thảo về việc hình thành sàn giao dịch nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường nợ xấu - nhân tố luôn được quan tâm hàng đầu của ngành ngân hàng liệu có "ấm" lên?
[caption id="attachment_84904" align="aligncenter" width="500"]
Nợ xấu có thể được giải quyết như thế nào khi có sàn giao dịch là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay - Ảnh minh họa[/caption]
Theo ý chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ, thị trường nợ xấu là một trong những yếu tố khiến công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng trở nên khó khăn. Và với bước đi này của NHNN, việc mua bán nợ xấu sẽ có "một tầm cao mới" nhưng tầm cao này có thể đạt ở mức độ nào thì "còn cần phải bàn bạc và thảo luận thêm nhiều hơn nữa", ông Độ nhấn mạnh.
Bởi theo ông Độ, để sàn giao dịch này hoạt động thành công và thu hút được giới đầu tư thì có hai yếu tố cần phải được quan tâm đặc biệt: một là vấn đề về sở hữu tài sản, hai là vấn đề về giá cả.
"Với mỗi một nhà đầu tư, phải để họ có thực quyền với những gì họ sở hữu, đầu tư", ông Độ tiếp tục nhấn mạnh. Thực tế, những vấn đề về sở hữu tài sản thế chấp vô cùng phức tạp chính do có nhiều thủ tục và quyền lợi đôi bên nên việc sở hữu tài sản thế chấp của các ngân hàng thương mại trong diện "nợ xấu" là một trong những vấn đề khó khăn. Nếu không trao quyền thực sự cho người mua thì sẽ không có lý nghĩa gì khi hình thành sàn giao dịch, ông Độ tiếp tục khẳng định.
Bên cạnh đó, vấn đề về giá cả cũng là yếu tố then chốt để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân. Nếu hiện nay, nợ xấu chỉ được cơ bản bán cho VAMC nhưng khi sàn giao dịch được hình thành, nhiều chuyên gia đều cho rằng, nợ xấu sẽ không chỉ "nợ đọng" tại công ty này mà được vận hành theo cách trơn tru và đặc biệt là minh bạch hơn.
Bàn thêm về vấn đề vận hành sàn giao dịch, ông Độ cho rằng, mỗi thị trường đều có những khuôn khổ pháp lý riêng biệt. Dù nợ xấu là một "tài sản đặc biệt" của các ngân hàng nhưng khi trở thành "hàng hóa" để trao đổi mua bán thì việc thực hiện theo phương thức sàn giao dịch chỉ là vấn đề kỹ thuật, không quá nhiều ảnh hưởng. Hiện nay, giao dịch theo cơ chế thị trường đã và đang diễn ra trong hầu hết các hoạt động kinh doanh. Việc đi theo cơ chế thị trường, dựa vào biến động và "sức khỏe" của các ngân hàng có nợ xấu được giao bán là một xu hướng tất yếu, khách quan và hợp quy luật.
Chốt lại vấn đề của sàn giao dịch nợ xấu, ông Độ cho rằng, đảm bảo quyền lợi của người mua và giao dịch nợ chính là vấn đề chính yếu để sàn giao dịch này thực sự phát huy hiệu quả và trở thành phao cứu sinh cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Để quyền lợi này được đảm bảo, các ngân hàng thương mại phải minh bạch hơn và mạnh dạn công khai những thông tin về ngân hàng mình. Chỉ khi đó, giới đầu tư mới thực sự tin tưởng triển vọng và "mạnh tay" đầu tư vào nợ xấu của các ngân hàng này.
Ấm lên hay không ấm lên, câu chuyện về nợ xấu ngành ngân hàng khi hình thành được sàn giao dịch là một câu chuyện còn rất cần bàn bạc và thảo luận. Khi nợ xấu được giải quyết, ngành ngân hàng sẽ có thêm một diện mạo mới. Rủi ro và bất cập trong hình thành, thu mua và quản lý nợ xấu cũng vì thế được giảm thiểu.
Dù đa phần giới chuyên môn đánh giá cao về việc hình thành thị trường mua bán nợ nhưng họ vẫn luôn đề cao quá trình vận hành để mô hình sàn giao dịch này thực sự phát huy hiệu quả.
Quỳnh Liên