Thị trường nóng trở lại, cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán liệu đã đạt đỉnh?
(CLO) Nhiều nhóm cổ phiếu tăng trưởng cho thấy sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2023.
Thị trường chứng khoán nóng dần trở lại, thanh khoản và lượng tài khoản mới mở liên tục tăng trong 3 tháng trở lại đây
Trong nửa đầu năm 2023, hầu hết các mã chứng khoán trên thị trường đều tăng trưởng hơn so với đáy tạo lập cuối năm 2023. Thanh khoản của thị trường luôn được duy trì ở mức cao.
Điển hình như từ đầu tháng 8 đến nay, giá trị khớp lệnh đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 26% so với tháng 7. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, tính từ tháng 4/2022.
Thị trường chứng khoán hồi phục đã giúp tạo điều kiện cho cổ phiếu nhóm các công ty chứng khoán được quan tâm trở lại. Các mã cổ phiếu như SSI, VND cũng được đẩy thanh khoản lên cao và đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu năm.

Thị trường chứng khoán đang nóng trở lại so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023 (Ảnh TL)
Bài liên quan
Chứng khoán 14/8: Bất động sản, chứng khoán “nổi sóng” vẫn thua “chiến binh” xăng dầu
VN-Index cải thiện, các công ty chứng khoán tăng huy động vốn mở rộng dư địa cho vay
Doanh thu môi giới chứng khoán giảm 80%, Chứng khoán Trí Việt (TVB) vừa phải thay lãnh đạo
Chứng khoán 11/8: VN-Index “thoát hiểm” nhờ VinFast
So với VN-Index, từ đầu năm đến nay nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng trên 50% với các cổ phiếu top đầu. Thậm chí một số công ty chứng khoán với lượng vốn hoá nhỏ còn ghi nhận tăng trưởng tính bằng lần.
Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán được nhiều chuyên gia đánh giá là nhờ xu hướng giảm lãi suất trong thời gian vừa qua. Những lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay hạ nhiệt tại các ngân hàng thương mại tạo động lực cho thị trường.
Việc giảm lãi suất đã giúp kênh đầu tư chứng khoán trở thành nơi hấp dẫn dòng tiền hơn so với kênh tiền gửi tiết kiệm. Một minh chứng điển hình đó là lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường đã có sự gia tăng không ít. Tính riêng trong tháng 7, số tài khoản chứng khoán mở mới đã đạt 150.000 tài khoản, cao nhất trong vòng 11 tháng trở lại đây. Lượng tài khoản mở mới cũng liên tục gia tăng trng tháng 6, 7, 8 cho thấy sức nóng của thị trường đang dần trở lại.
Đồng thời, việc giảm lãi suất cho vay cũng giúp các công ty chứng khoán có thể hạ lãi suất cho vay margin, từ đó kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán. Kết thúc tháng 6, dư nợ vay margin tại các công ty chứng khoán đã tăng lên 150.000 tỷ so với thời điểm cuối tháng 3.
Nhóm công ty chứng khoán liệu đã đạt đỉnh?
Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp như hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đang có triển vọng thu hút dòng tiền đầu tư. Nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên một số chuyên gia đánh giá khả năng tăng trưởng sẽ chậm lại do mức định giá hiện nay không còn quá hấp dẫn như trước.
Đa phần các mã chứng khoán có chỉ số P/B ở mức 1,5-2 lần, thậm chí một số còn lên tới 2,5 lần. So với thời điểm tháng 11 khi thị trường chứng khoán chạm đáy thì con số này đã tăng lên đáng kể. Tại tháng 11 năm 2022, thậm chí một số công ty chứng khoán còn phải ghi nhận giá trị giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách, tương ứng P/B nhỏ hơn 1.
Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu này cũng liên tục ghi nhận đà tăng mà không có nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Đồng nghĩa với việc nhà đầu tư vẫn chưa chốt lời thực sự. Theo đánh giá của Chứng khoán Việt Nam (NHSV) thì thị trường đang có tính đầu cơ cao nên nhịp điều chỉnh sắp tới có thể sẽ giảm mạnh hơn so với các nhịp điều chỉnh trong năm 2022 rất nhiều.
Thực tế cho thấy thì lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong Quý 2 giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đã cải thiện hơn so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vừa qua nhưng vẫn chưa thể là động lực để kéo kỳ vọng thị trường lên cao như vậy. Do đó, vẫn còn áp lực chốt lời lớn hiện hữu đối với nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.