Kinh tế

Thị trường tại Hà Nội trong ngày bão: Không xảy ra tình trạng tích trữ, hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn

Định Trần 22/07/2025 14:08

(CLO) Tại một số chợ truyền thống và siêu thị vẫn hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa phong phú, không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua hàng tích trữ như từng diễn ra trong một số đợt thiên tai, dịch bệnh trước đây.

Sáng 22/7, trong bối cảnh bão số 3 (bão WIPHA) đang tiến sát đất liền, ghi nhận thực tế tại Hà Nội cho thấy thị trường hàng hóa, thực phẩm tiêu dùng vẫn giữ được sự ổn định.

Tại nhiều khu vực dân cư, các chợ truyền thống và siêu thị vẫn hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa phong phú, không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua hàng tích trữ như từng diễn ra trong một số đợt thiên tai, dịch bệnh trước đây.

z6829571416792_017135749d59f60eae997b6e42cb9dd1.jpg
Tại một số chợ truyền thống và siêu thị vẫn hoạt động bình thường. (Ảnh: Định Trần)

Ghi nhận từ phóng viên Báo Nhà báo và Công luận tại các chợ dân sinh như Đồng Tâm, Nguyễn An Ninh, Tân Mai… vào sáng sớm 22/7 cho thấy, phần lớn tiểu thương vẫn bày bán hàng hóa như ngày thường, chỉ một số ít đóng cửa nghỉ bão. Các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, đồ khô… vẫn được cung ứng đầy đủ, với mẫu mã và chủng loại đa dạng.

Một tiểu thương tại chợ Nguyễn An Ninh chia sẻ: So với ngày thường, hôm nay sức mua có tăng nhẹ nhưng không đột biến. Người dân chủ yếu mua thêm rau xanh để dùng trong vài ngày tới. Thịt và cá tiêu thụ chậm hơn. Chúng tôi cũng không tăng giá để giữ khách”.

Về mặt bằng giá cả, thị trường ghi nhận mức giá rau xanh nhích nhẹ, phổ biến tăng từ 1.000 - 2.000 đồng mỗi bó, do ảnh hưởng từ nguồn cung ở ngoại thành giảm nhẹ vì mưa. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, nằm trong ngưỡng kiểm soát. Một số mức giá cụ thể sáng 22/7: rau mùng tơi 7.000 - 8.000 đồng/bó, rau ngót 12.000 - 15.000 đồng/bó, rau cải 7.000 - 8.000 đồng/bó, bí xanh 15.000 - 18.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, khoai tây 17.000 đồng/kg, dưa chuột 20.000 đồng/kg.

Thịt cá các loại giữ mức giá ổn định so với những ngày trước. Các tiểu thương cho biết nguồn cung từ các lò mổ, chợ đầu mối vẫn ổn định, không có dấu hiệu khan hiếm. Thậm chí, đến gần trưa, một số hàng thịt mới mở bán do thời tiết mưa và sức mua không quá cao.

Tính đến giữa trưa, một số mặt hàng rau xanh như rau muống, cải ngọt, mồng tơi… đã tiêu thụ hết tại nhiều quầy, tuy nhiên các loại củ quả và sản phẩm từ thịt, cá vẫn còn dồi dào. Các quầy hàng đồ khô, nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo, nước đóng chai… cũng không ghi nhận sức mua tăng vọt.

z6829571415831_ad3737d910f714f335b7c22fa8aeacac.jpg
Tại các siêu thị lớn trong thành phố, số lượng khách đến mua sắm vào đầu giờ sáng 22/7 tăng nhẹ so với ngày thường. (Ảnh: Định Trần)

Trong khi đó, tại các siêu thị lớn trong thành phố, số lượng khách đến mua sắm vào đầu giờ sáng 22/7 tăng nhẹ so với ngày thường và giảm dần vào buổi trưa. Tuy nhiên, không có hiện tượng gom hàng, tích trữ quy mô lớn. Người dân chủ yếu chọn mua các mặt hàng tươi sống, thực phẩm đóng gói, rau củ quả và nước uống để sử dụng trong vài ngày, đề phòng mưa bão ảnh hưởng đến việc đi chợ.

Đặc biệt, nhiều hệ thống siêu thị triển khai dịch vụ mua hàng online và giao hàng tận nhà, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời tiết mưa gió.

z6829571421708_3a2dc79335be33f089a79715aec13dbe.jpg
Hàng hóa đa dạng, phục vụ đủ cho nhu cầu của người dân. (Ảnh: Định Trần)

So với các đợt thiên tai trước, lần này, tâm lý của người tiêu dùng có phần bình tĩnh hơn. Một phần do người dân đã có kinh nghiệm ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, phần khác do nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội hiện nay khá dồi dào, hệ thống phân phối được tổ chức bài bản. Việc tuyên truyền kịp thời của cơ quan chức năng cũng góp phần trấn an tâm lý và định hướng hành vi tiêu dùng hợp lý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thị trường tại Hà Nội trong ngày bão: Không xảy ra tình trạng tích trữ, hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO