Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tăng bất thường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao

Thứ năm, 21/05/2020 10:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với mức lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, được “kèm” cam kết sẽ được mua lại, cho nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư quan tâm.

Đây là một “kênh” đầu tư đầy may rủi khi nhà đầu tư thiếu thông tin của doanh nghiệp, các bên liên quan để “đọc” được rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, cũng như trái phiếu họ phát hành.

Lãi suất cao, rủi ro lớn

Một thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gần đây cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020 có 85 doanh nghiệp huy động trái phiếu, tổng giá trị phát hành đạt 70.099 tỷ đồng. Còn riêng trong tháng 4/2020, con số phát hành thành công là 131 đợt, giá trị ghi nhận 30.121 tỷ đồng với 29 doanh nghiệp tham gia. Nhiều chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng bất thường này cho thấy đã có không ít doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất cao để gọi được vốn qua trái phiếu, qua đó dấy lên những quan ngại về độ rủi ro trên thị trường trái phiếu. Bởi lẽ, “luật chơi” trên thị trường là doanh nghiệp có định mức tín nhiệm cao thì chi phí đi vay vốn thấp, còn doanh nghiệp có định mức tín nhiệm thấp thì phải trả chi phí cao để huy động được vốn. Nhưng với lượng phát hành “ồ ạt” như hiện tại, cùng với đó là các nhà đầu tư không có công cụ, thông tin để rà soát hoạt động của doanh nghiệp, khiến việc mua trái phiếu gần như “đánh bạc”. Nhất là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có công ty, tổ chức để có thể định mức được mức độ tín nhiệm của trái phiếu doanh nghiệp đang phát hành. Điều này khiến nhà đầu tư muốn đầu tư vào trái phiếu phải mất thời gian, chi phí để đánh giá mức độ rủi ro, đồng thời khiến tính minh bạch về thông tin thị trường chậm được cải thiện.

trai phieu 2

Trong vai một khách hàng đi mua trái phiếu doanh nghiệp, đã có nhiều tư vấn viên liên hệ và giới thiệu hàng loạt trái phiếu với mức lãi cao, cùng nhiều ưu đãi. Theo đó, khi khách hàng mua trái phiếu sẽ được cam kết công ty mua lại khi đến kỳ hạn, nhà đầu tư sẽ nhận được cả gốc và lãi. Các tư vấn viên còn cho biết, nhiều trái phiếu đang có mức lãi suất cao hơn từ 1% đến 3% so với lãi suất gửi tiết kiệm. Nhất là khi gửi tiết kiệm, nếu nhà đầu tư muốn rút tiền cũng không rút được ngay, có thể sẽ mất phí. Nhưng với dạng trái phiếu doanh nghiệp, khách hàng vẫn có thể rút từng phần hoặc toàn bộ mà vẫn nhận được đủ lãi suất theo thời gian gửi. Chính vì vậy, đã có không ít nhà đầu tư gom tiền mua trái phiếu, trong khi vẫn không biết doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ngành nghề gì, hoạt động kinh doanh ra sao?!

Theo ông Trịnh V.T, một nhà đầu tư trái phiếu cho rằng, các tư vấn viên không giải thích hay đưa thông tin nhiều về hoạt động, cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp nhưng hầu hết nhà đầu tư hiện nay ít người quan tâm. Mọi người đang mua theo dạng “tù mù”, có niềm tin là… mua. Bởi lẽ, thường khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền mới phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao. Nếu nhà đầu tư dựa vào tình hình tài chính của doanh nghiệp thì sẽ không đầu tư. Thường nhà đầu tư đang “tựa” vào lời cam kết từ các công ty chứng khoán là sẽ mua lại.

Thế nhưng các chuyên gia cho biết, dạng đầu tư vào thị trường trái phiếu như hiện nay khi tính minh bạch đang thấp, doanh nghiệp nếu gặp khó khăn về thanh khoản thì các trái phiếu của họ cũng sẽ không có giá trị.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng

Trước tình trạng hiện nay, Bộ Tài chính đã ra cảnh báo, mặc dù nhà đầu tư có nhận được cam kết mua lại trái phiếu từ các tổ chức phân phối, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi lẽ, tổ chức này sẽ không thực hiện được cam kết do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính hoặc chính bản thân doanh nghiệp cũng không đủ vốn để xử lý. Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ truởng Vụ Tài chính Ngân hàng và các tổ chức Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, rủi ro lớn nhất chính là các doanh nghiệp phát hành không thể trả được gốc và lãi khi đang “căng mình” trên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, khi triển khai dự án thất bại, hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ khó có thể thu hồi lại số tiền đầu tư cho trái phiếu.

trai phieu

Bộ Tài chính cũng đã đưa ra các khuyến cáo, theo đó, sẽ có 5 điểm chính mà nhà đầu tư cần quan tâm khi đặt niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Thứ nhất, nhà đầu tư cần quan tâm doanh nghiệp phát hành là ai, có uy tín không và mục đích phát hành là có khả thi không? Thứ hai là “sức khỏe” tài chính của họ có đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi và nợ cho trái chủ (người cho nhà phát hành vay) hay không? Thứ 3 là tài sản đảm bảo có chắc chắn. Thứ 4, nếu trường hợp xấu xảy ra là doanh nghiệp phá sản thì đơn vị phân phối là ngân hàng hay các công ty chứng khoán có cam kết mua lại và đủ khả năng mua lại trái phiếu cho các trái chủ hay không. Nếu các yếu tố trên đảm bảo thì nhà đầu tư hãy quan tâm đến điều cuối cùng là mức lãi suất kỳ hạn và phương thức trả lãi ra sao. Trong các yếu tố kể trên,  Bộ Tài chính đặc biệt lưu tâm tới yếu tố thứ tư bởi trong bối cảnh dịch Covid-19, “sức khỏe”  của nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thử thách không hề nhỏ bởi thị trường đang thiếu công cụ để đánh giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nhà đầu tư cần cẩn trọng thì cần nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy việc hình thành các công ty, tổ chức định mức tín nhiệm để định giá trái phiếu của doanh nghiệp. Qua đó tạo cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn, cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư. Nhất là thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang thiếu vai trò của tổ chức định mức tín nhiệm. Nếu có tổ chức này thì sẽ góp phần sàng lọc các công cụ nợ trên thị trường tốt hơn, từ đó mới có cơ sở để đánh giá về tính hợp lý của doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất danh nghĩa bao nhiêu.

Hoàng Dương

Tin khác

Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm
Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

(CLO) CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) dự kiến giảm lượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuống còn 75 triệu cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, SeABank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo MB dự kiến tổng tài sản tăng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng số lượng khách hàng lên 30 triệu người.

Tài chính - Bảo hiểm
Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

(CLO) Câu hỏi được cổ đông của FPT Retail (FRT) đưa ra về kế hoạch mở rộng đến 2.500 - 3.000 nhà thuốc là dừng lại trong khi dung lượng thị trường tới gần 60.000 cửa hàng. Như vậy liệu thị phần của Long Châu có quá ít ỏi?

Tài chính - Bảo hiểm