Thổ Châu mùa thương nhớ!

Thứ tư, 10/02/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ở Thổ Châu - hòn đảo cực nam của Tổ quốc, cách đất liền 220km - những thầy cô người miền Bắc dạy học nơi đây hay gọi những ngày Tết đến, xuân về là mùa thương nhớ.

Bởi khi hoa đào khoe sắc, mưa xuân phấp phới bay ở quê nhà chính là lúc nỗi nhớ quê trong mỗi người lại càng da diết hơn bao giờ hết.

Dạy học nơi tận cùng của Tổ quốc

Ở nơi tận cùng phía Nam của Tổ quốc là đảo Thổ Châu (hay còn gọi là Thổ Chu - tỉnh Kiên Giang) quanh năm tắm mình trong nắng, gió cùng với sóng biển rì rào. Trên đảo tiền tiêu rất xa ấy có ngôi trường Tiểu học, THCS Thổ Châu với 300 học sinh, hằng ngày có 30 giáo viên thay nhau đến lớp dạy học. Để bám đảo, truyền ánh sáng tri thức tới các em học sinh con của những ngư phủ quanh năm chỉ biết bám biển mưu sinh là một hành trình cực kỳ vất vả, ở đó có sự đóng góp rất lớn của hơn 20 giáo viên đến từ các tỉnh miền Bắc xa xôi, cách đảo tiền tiêu này hàng nghìn km.

Báo Công luận

Khoảng cách với đất liền hơn 200km, sóng to, gió lớn luôn rình rập bất cứ lúc nào nên dạy học trên đảo Thổ Châu đòi hỏi những người “chèo đò” ở nơi đầu sóng, đầu gió này không chỉ mang cái tâm lớn của một ông đồ mà còn có bản lĩnh của người lính trấn giữ biên cương. Mỗi thầy cô đến dạy học trên đảo Thổ Châu và gắn bó với mảnh đất này là một câu chuyện rất xúc động, một hành trình mà nhiều người hay ví như cái duyên trời định để rồi vận vào cuộc đời của mỗi thầy cô nơi đây. Nhưng có là dũng cảm bao nhiêu, quyết tâm lớn đến thế nào thì cũng có lúc những người “chèo đò” kiên cường ấy cảm thấy tủi lòng. Đó là ở vào thời điểm Tết đến, xuân về, khi miền Bắc bắt đầu đón những hạt mưa xuân lất phất bay thì trong lòng người đi gieo chữ nơi đảo xa lại dâng trào nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng, tuổi trẻ với bao mơ mộng nhưng có lẽ cô Hà Thị Oanh cũng chẳng bao giờ nghĩ tới một ngày mình đặt chân lên hòn đảo Thổ Châu cho đến khi cô đem lòng yêu rồi kết duyên với một chiến sĩ Hải Quân. Lý do đến dạy học trên hòn đảo tận cùng phía Nam của Tổ quốc của cô Oanh là muốn cùng chồng bám đảo. 25 năm dạy học ở đảo tiền tiêu là cả một hành trình vượt khó không tưởng của cô giáo có vóc dáng nhỏ bé này. Chưa từng quen với sóng, gió, ở cái tuổi 23 đầy nhiệt huyết, cô Oanh quyết theo chồng ra đảo xa lập nghiệp. Trong ký ức cô còn nhớ như in chuyến tàu bão táp đầu tiên đưa cô đến với vùng đất hứa này. “Cuộc đời tôi sợ nhất là say sóng, bạn bè đồng nghiệp vẫn biết đến tôi như là người say sóng kinh hoàng. Do đó, lần ra đảo đầu tiên vì thế mà cũng đầy ám ảnh cho đến tận bây giờ. Nằm mê mết trên cả chuyến hành trình lênh đênh gần chục tiếng đồng hồ trên biển” – cô Oanh thổ lộ.

Sợ hãi với những chuyến tàu lênh đênh trên biển là vậy, nhưng cô Oanh lại chọn cho mình cái nghề dạy học. Một nghề đòi hỏi cô phải thường xuyên đi lại với đất liền để học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong khi vào thời điểm năm 1995, cô có điều kiện được lựa chọn làm nhân viên bưu điện trên đảo. Mỗi chuyến đi biển với cô Oanh luôn khó khăn, nhưng chuyến đi ám ảnh nhất với cô giáo đến nay có lẽ là lần chết hụt khi tàu bị chìm đã cách đây 24 năm. “Khi đã lựa chọn dạy học, tôi được điều động vào đất liền học nghiệp vụ sư phạm. Trên đường đi, tàu bị chìm. Trong lúc mọi người đã được vớt lên thì còn lại duy nhất một chiếc ba lô bồng bềnh trên biển. Ai cũng bảo còn có người dưới đó, các chiến sĩ hải quân vì thế tiếp tục lao xuống và may mắn cô được cứu” – cô Oanh kể. Đó được xem là kỷ niệm kinh hoàng nhất mà cô Oanh từng trải qua. Cô thổ lộ: “Phải mất vài tháng sau sự kiện chìm tàu đó cô mới dám nhìn ra biển”. Gian khổ là thế, nhưng chưa từng làm cô nhụt chí.

Cô Oanh chia sẻ, buồn nhất với cô những năm tháng đầu tiên trên đảo chính là những lúc Tết đến, xuân về. Khoảng cách xa xôi, ngày nghỉ lễ ít không về được nên nhớ nhà vô cùng. Cô Oanh xa quê đến nay đã 25 năm nhưng chỉ mới 2 lần cô về quê ăn Tết.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Những năm 90 của thế kỷ XX, điều kiện trên đảo rất khó khăn. Tết thì giáo viên không về quê nên ai cũng nhớ nhà. Bố mẹ ở quê gửi quà vào, trong đó có nhang Bắc. Chỉ cần ngửi mùi nhang Bắc thắp lên thôi là tôi lại khóc” - cô Oanh tâm sự.

Mang không khí Tết đất liền đến với học trò đảo xa

Tại ngôi trường Tiểu học và THCS Thổ Châu vẫn còn nhiều giáo viên bám đảo, họ xa gia đình biền biệt nên mỗi lần Tết đến là mỗi lần nhớ mong. Câu chuyện của thầy Nguyễn Văn Sáu người Hoằng Hóa, Thanh Hóa là một ví dụ. Đến với nghề dạy học ở đảo Thổ Châu của thầy Sáu chẳng khác nào một sự sắp đặt của số phận. Năm 1994, thầy Sáu đưa mẹ ra đảo để chăm em gái trong giai đoạn ở cữ sau sinh. Lên đảo Thổ Châu thầy Sáu bị kẹt ở đó suốt hơn 2 tháng trời vì sóng to không có thuyền từ đất liền ra đảo. Sống lâu ngày, thầy đã quen với cách sống nơi đây, ở đảo lại đang thiếu giáo viên trong khi thầy đã tốt nghiệp THPT. “Những người tốt nghiệp THPT như tôi thời đó chỉ cần bổ túc ba tháng nghiệp vụ sư phạm là được đi dạy. Tôi thấy đây là cơ hội nên quyết định ở lại để làm giáo viên” – thầy Sáu chia sẻ.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Từ cái chuyến đi định mệnh đó, thầy đã gắn bó với đảo đến nay được 26 năm. Dạy học đã khó, để có được tổ ấm hạnh phúc với một thầy giáo nghèo nơi đảo xa là thử thách lớn hơn gấp bội lần nhưng thầy Sáu là người rất may mắn. Thầy được một nữ cán bộ công tác ở Sở Nông Nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đem lòng yêu thương. Dạy học trên đảo xa, để hoàn thành nghĩa vụ làm con, làm chồng, làm cha với thầy Sáu là một thách thức lớn. “Nhiều khi con ốm, vợ một mình chăm bẵm, con khóc lại lôi cha ra mắng” – thầy Sáu kể với chất giọng đầy yêu thương. Để báo hiếu bố mẹ, thầy Sáu đã đưa cả bố mẹ già ra đảo hằng ngày được tận tay chăm sóc. Thầy ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện nay bố mẹ của thầy đều đã mất và đều được chôn cất trên đảo”. Kể chuyện về thầy Sáu như vậy để thấy gắn bó dạy học 26 năm trên đảo là điều không hề dễ dàng.

Đảo Thổ Châu xa là thế nhưng cũng mang lại cho thầy cô trên đảo nhiều niềm vui, hạnh phúc giản đơn. Học trò ở đảo thật thà, giản dị, yêu quý thầy cô, sự mộc mạc chân thành của các em như sợi dây níu kéo giữ chân những thầy cô giáo suốt mấy chục năm qua. Đa phần các thầy giáo, cô giáo quê miền Bắc đều ở lại ăn Tết trên đảo Thổ Châu. Do đó, Tết không chỉ là nỗi nhớ quê mà là cơ hội để lan tỏa yêu thương, mang cái Tết của đất liền đến với học trò nơi đảo xa. Mỗi độ Tết đến xuân về, nhà trường cùng với chính quyền, các đơn vị bộ đội hay tổ chức các lễ hội xuân để các em được trải nghiệm những cái Tết cổ truyền như ở đất liền.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Hình ảnh chợ Tết truyền thống được tái hiện tại Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, thầy Phạm Văn Tiệp  - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu (thầy là một cựu quân nhân, xuất ngũ rồi ở lại dạy học) cho rằng, mỗi lần đến gần Tết, thầy trò lại hồ hởi chuẩn bị lễ hội chợ xuân. Mỗi lớp học đều có cho mình mỗi gian hàng tạo ra quang cảnh chợ Tết ở quê trong đất liền. Học trò miền biển được trải nghiệm không khí Tết của đất liền với bánh chưng, câu đối, hoa đào, hoa mai thì rất vui. Các giáo viên miền Bắc dạy học ở đảo Thổ Châu không chỉ mang theo kiến thức mà còn mang theo văn hóa, phong tục tập quán từ Bắc và Nam. Tổ chức lễ hội chợ Tết là cách giúp học trò hiểu hơn về một nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền, cũng là cách lan tỏa yêu thương và để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Trinh Phúc

Tin khác

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục
Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

(CLO) Chiều 27/3, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không cho con em mình đi học, đồng thời kéo tới trường để phản đối khi hay tin huyện có thông báo việc sáp nhập trường.

Giáo dục
Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

(CLO) Ngày 27/3, tại Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ), Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hưng Yên tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên. Ngày hội thu hút hơn 1 nghìn học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia.

Giáo dục