Tiêu điểm Quốc tế

Thỏa thuận hạt nhân Iran - Hồi kết mở của một giấc mơ dở dang?

Hùng Anh 15/07/2025 11:53

(CLO) Ngày 14/7 đánh dấu 10 năm kể từ khi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) - tức thỏa thuận hạt nhân Iran - được ký kết.

Thỏa thuận này cho phép Iran phát triển chương trình hạt nhân dân sự và làm giàu uranium ở mức thấp, với điều kiện từ bỏ tham vọng quân sự. Đổi lại, các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ được dỡ bỏ, tạo điều kiện để Iran tái hòa nhập nền kinh tế toàn cầu. Đây là kết quả của gần một thập kỷ đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 cường quốc hạt nhân và Đức), với sự tham gia của EU.

Niềm hy vọng 10 năm trước và vết nứt khi Mỹ đơn phương rút lui

Theo JCPOA mà Iran ký với nhóm cường quốc P5+1, trong 15 năm, các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran sẽ chịu sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bảo đảm tính minh bạch và hòa bình của chương trình.

814-202507151132411.jpg
Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân hay còn gọi là JCPOA năm 2015. Ảnh: Izvestia

Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Tháng 10/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA, gọi đây là một thỏa thuận “tồi” và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran. Washington kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới, siết chặt hơn, bao gồm hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và làm suy yếu ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Nhưng thực tế diễn biến ngược lại. Iran không chấp nhận các yêu cầu mới, đồng thời từng bước giảm cam kết với JCPOA, như tăng mức làm giàu uranium và hạn chế quyền tiếp cận của IAEA. Dù vậy, Tehran vẫn khẳng định không từ bỏ “tinh thần” của JCPOA và bác bỏ cáo buộc theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Iran viện dẫn Điều 26 của JCPOA để biện minh cho hành động này. Theo đó, nếu các lệnh trừng phạt bị khôi phục, Iran có quyền điều chỉnh mức độ tuân thủ thỏa thuận. Điều khoản từng được coi là hình thức này đã trở thành cơ sở pháp lý giúp Tehran duy trì lập trường và đổ lỗi cho Washington về bế tắc trong đàm phán sau đó.

JCPOA 2.0 - Kỳ vọng mới hay sự hoài nghi kéo dài?

Dù mang nhiều kỳ vọng, các cuộc đàm phán về một “JCPOA 2.0” giữa Mỹ và Iran kéo dài đến giữa năm 2025 vẫn không đạt được kết quả. Thuật ngữ này dần mang hàm ý châm biếm, do mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hai bên. Các cuộc thương lượng chủ yếu được thực hiện thông qua trung gian Oman.

814-202507151132412.jpg
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran rơi vào bế tắc. Ảnh: Izvestia

Căng thẳng leo thang vào tháng 6/2025, khi Israel và sau đó là Mỹ bất ngờ tấn công các cơ sở hạt nhân then chốt của Iran - Natanz, Fordow và Arak. Theo truyền thông, hơn 10 nhà khoa học hạt nhân Iran bị sát hại. Cuộc tấn công diễn ra ngay trước vòng đàm phán tiếp theo và trước khi tối hậu thư của Mỹ hết hạn, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Washington.

Vụ việc xảy ra không lâu sau một bê bối gián điệp, trong đó Iran cáo buộc các thanh sát viên IAEA cung cấp thông tin mật cho Israel. Điều này dẫn đến một loạt vụ thanh trừng và làm sụp đổ lòng tin của Iran vào IAEA.

Hệ quả là Iran bước vào mùa hè 2025 với khoảng 400 kg uranium làm giàu cao, một phần cơ sở hạ tầng bị phá hủy và sự ngờ vực sâu sắc với Mỹ và IAEA. Trong khi một số quốc gia trung gian nỗ lực tái thiết thỏa thuận, sự thiếu tin cậy khiến các cuộc đàm phán hầu như bế tắc.

Chiến lược “đe dọa để ép đàm phán” của Mỹ và Israel phản tác dụng. Thay vì nhượng bộ, Iran chứng kiến làn sóng kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân trong nước. Chính quyền phản ứng bằng các động thái mang tính biểu tượng như đình chỉ hợp tác với IAEA và cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).

Israel tiếp tục gây sức ép, đòi Iran quay lại bàn đàm phán trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ tiếp tục tấn công. Iran không hoàn toàn bác bỏ lời đe dọa, nhưng cũng không tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ.

Giới lãnh đạo Iran hiện vẫn chưa đưa ra lựa chọn rõ ràng: tiếp tục duy trì lập trường mềm mỏng theo JCPOA, hay chuyển sang đối đầu công khai, chấm dứt chiến lược cân bằng kéo dài suốt một thập kỷ qua.

Giới phân tích cho rằng, trạng thái giằng co hiện tại phản ánh sự mất cân bằng nghiêm trọng trong cơ chế răn đe và lòng tin - những nền tảng vốn là cốt lõi của JCPOA. Việc khởi động các vòng đàm phán tiếp theo mà không giải quyết các vấn đề gốc rễ có thể chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thỏa thuận hạt nhân Iran - Hồi kết mở của một giấc mơ dở dang?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO