Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: Ổn định mong manh và nguy cơ tái bùng phát xung đột
(CLO) Ngày 17/7 vừa qua, chính quyền Syria và các lãnh đạo cộng đồng Druze đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh tại tỉnh As-Suwayda, miền nam Syria.
Thỏa thuận do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập làm trung gian, yêu cầu lực lượng chính phủ rút khỏi thành phố As-Suwayda, trao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng địa phương Druze.
Căng thẳng sắc tộc tại As-Suwayda: Ngòi nổ ban đầu và phản ứng của Israel
Các cuộc đụng độ giữa người Druze và người Bedouin tại tỉnh As-Suwayda - một khu vực chủ yếu do người Druze kiểm soát - bắt đầu bùng phát vào Chủ nhật tuần trước. Nguồn cơn xung đột xuất phát từ những tranh chấp đất đai, quyền tự trị và ảnh hưởng của các lực lượng vũ trang địa phương. Tuy nhiên, tình hình leo thang nghiêm trọng khi lực lượng Bedouin được cho là nhận được sự hậu thuẫn trực tiếp từ quân đội chính phủ chuyển tiếp Syria.
.png)
Theo nhiều nguồn tin độc lập, xung đột đã khiến khoảng 350 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là thường dân Druze. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tay súng thân chính phủ hành hung giáo sĩ Druze, cướp phá nhà cửa và sát hại người không mang vũ khí. Những hành vi này gây phẫn nộ trong cộng đồng Druze cả trong và ngoài Syria, đặc biệt là tại Israel, nơi có cộng đồng Druze gần 150.000 người.
Trước làn sóng phẫn nộ trong nước và áp lực từ cộng đồng Druze, ngày 14/7, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mở chiến dịch không kích vào các cơ sở quân sự Syria ở As-Suwayda, nhắm vào kho vũ khí, xe tăng và sân bay chiến đấu. Ngày 15/7, không quân Israel mở rộng mục tiêu, đánh vào Bộ Tổng tham mưu Syria và khu vực quanh dinh Tổng thống tại Damascus. Theo hãng tin nhà nước SANA, 3 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương.
Giới chức Israel khẳng định chiến dịch này mang tính chất phòng vệ. Theo Tham mưu trưởng IDF Eyal Zamir, ngoài việc “bảo vệ người anh em Druze”, chiến dịch còn nhằm ngăn chặn sự hiện diện của “các phần tử thù địch” tại miền Nam Syria vốn được Israel coi là tuyến đầu an ninh quốc gia. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố một trong những mục tiêu chính của chiến dịch là “phi quân sự hóa khu vực biên giới” và ngăn Syria trở thành “thành trì của khủng bố”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng đây cũng là một tín hiệu rõ ràng gửi tới chính quyền mới ở Damascus, vốn vừa tiếp quản quyền lực sau sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều thông điệp, điển hình là lời lẽ cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz đối với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa mới đây cho thấy Israel không có ý định công nhận tính chính danh của chính quyền này.
Một yếu tố bất ngờ làm phức tạp thêm tình hình là việc hàng nghìn người Druze tại Israel đã vượt biên sang Syria để hỗ trợ đồng đạo bất chấp lệnh cấm. Theo thống kê, khoảng 1.000 người Druze ở Israel và hàng trăm người mang hộ chiếu Syria đã vượt qua biên giới. Chính phủ Israel lập tức kêu gọi công dân trở về, cảnh báo họ đang gây khó khăn cho chiến dịch của IDF và có thể trở thành con tin hoặc mục tiêu bị tấn công.
Các chính trị gia Druze ở Israel đã được cử đến khu vực biên giới nhằm thuyết phục những người này trở lại. Diễn biến này cho thấy mức độ ràng buộc sâu sắc giữa các cộng đồng Druze xuyên biên giới, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho chính sách đối ngoại và an ninh nội bộ của Israel.
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh
Dù một thỏa thuận ngừng bắn đã chính thức có hiệu lực tại tỉnh As-Suwayda từ ngày 15/7, tình hình thực tế trên thực địa vẫn còn nhiều bất ổn. Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Druze và nhóm vũ trang thân chính phủ Syria vẫn tiếp diễn nhỏ lẻ, làm dấy lên hoài nghi về tính bền vững của thỏa thuận cũng như khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương tại Damascus.
Trong bài phát biểu trước toàn dân, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa thừa nhận đã xảy ra các hành vi bạo lực nhằm vào cộng đồng Druze, đồng thời cam kết sẽ truy cứu trách nhiệm những cá nhân và nhóm liên quan. Ông nhấn mạnh Druze là một phần không thể tách rời của xã hội Syria, và bảo vệ quyền lợi của họ là ưu tiên của chính quyền mới.
.png)
Tuy nhiên, những tuyên bố này vẫn chưa đủ để tạo dựng lại lòng tin. Bạo lực vừa qua đã để lại những tổn thương sâu sắc trong cộng đồng Druze và các nhóm thiểu số khác, vốn từ lâu đã hoài nghi về tính bao trùm và khả năng kiểm soát của nhà nước Syria. Việc các lực lượng an ninh chuyển tiếp được thành lập từ nhiều nhóm vũ trang khác nhau, bao gồm cả các nhóm có tư tưởng cực đoan, càng khiến lo ngại gia tăng.
Tại phía biên giới, Israel tiếp tục duy trì trạng thái báo động. Bộ Tư lệnh Miền Bắc của IDF được lệnh sẵn sàng cao độ, trong khi các đơn vị công binh đang chuẩn bị xây dựng hàng rào chắn giữa làng Majdal Shams (Cao nguyên Golan) và thành phố Hader (Syria). Đồng thời, IDF dự kiến triển khai thêm hai sư đoàn tại khu vực để kiểm soát tình hình.
Theo các nhà phân tích, việc Israel tiếp tục không kích và tăng cường hiện diện quân sự là nhằm hai mục tiêu chính: bảo vệ cộng đồng Druze và tạo áp lực chính trị lên chính quyền mới tại Syria. Theo nhà nghiên cứu Lyudmila Samarskaya (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định rằng Israel đang sử dụng chiến dịch quân sự như một công cụ răn đe chiến lược, đồng thời khẳng định vai trò khu vực của mình trong thời điểm Syria còn đang tái cấu trúc quyền lực.
Trong khi đó, chuyên gia Ivan Bocharov (Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga) cho rằng nguy cơ leo thang vẫn còn hiện hữu, đặc biệt nếu các nhóm thiểu số, không chỉ Druze mà cả người Kurd hay Alawite, cảm thấy bị gạt ra bên lề hoặc bị đe dọa bởi các lực lượng cực đoan trong chính quyền. Việc người Druze ngày càng tăng cường liên kết với Israel cũng có thể trở thành cái cớ để các nhóm Hồi giáo cực đoan phát động các hành động vũ trang, dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền Syria.
Chuyên gia Ivan Bocharov đồng thời lưu ý rằng bạo lực vừa qua tại As-Suwayda đã làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào khả năng xây dựng một chính phủ bao trùm tại Syria. Trong khi đó, các nhóm khủng bố, vốn chưa bị triệt tiêu hoàn toàn, vẫn là mối đe dọa tiềm tàng, đặc biệt trong những vùng còn lỏng lẻo về kiểm soát.
Về quan hệ Israel-Syria, giới quan sát cho rằng các cuộc đàm phán chính thức về bình thường hóa quan hệ nhiều khả năng sẽ bị đình trệ sau các cuộc không kích gần đây. Dù vậy, các kênh tiếp xúc không chính thức có thể vẫn tiếp tục nhằm kiểm soát căng thẳng.
Trong dài hạn, Israel dường như không có ý định mở rộng lãnh thổ tại Syria. Theo giới quan sát, mặc dù Israel có thể tận dụng khoảng trống quyền lực để hỗ trợ các lực lượng thân thiện như người Druze, nước này khó có đủ nguồn lực, nhất là khi vẫn còn sa lầy ở Dải Gaza và đối mặt với nguy cơ từ Iran, để duy trì sự hiện diện lâu dài hoặc kiểm soát thêm lãnh thổ mới.