Thoát nghèo bằng chính nội lực của mình
(CLO) Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn dân với những giải pháp bài bản, hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và giàu mạnh.
Đến quý 1 năm 2025, toàn tỉnh còn khoảng 40.000 hộ nghèo, chiếm gần 7% tổng số hộ dân, giảm gần 1,5% so với năm 2023. Kết quả này đạt được là nhờ việc triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương và địa phương như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ con em hộ nghèo đến trường...

Đặc biệt, tỉnh đã xác định rõ quan điểm: giảm nghèo bền vững phải gắn với nâng cao năng lực sản xuất, tạo sinh kế lâu dài, không để người nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói và phụ thuộc. Với phương châm "trao cần câu thay vì cho con cá", nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, như: trồng cà phê xen hồ tiêu tại huyện Krông Buk, nuôi bò sinh sản tại huyện M’Đrắk, trồng sầu riêng, bơ ghép theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở Cư M’gar, Ea Kar...
Ông Y Rin Êban xã Krông Búk tỉnh Đắk Lắk người dân tộc Ê Đê từng thuộc diện hộ nghèo chia sẻ: “Nhờ chương trình vay vốn và được tập huấn kỹ thuật trồng cà phê hữu cơ, gia đình tôi từ chỗ làm lụng không đủ ăn nay đã có thu nhập ổn định, con cái được đến trường đầy đủ”.
Tập trung nguồn lực, ưu tiên vùng khó khăn
Tỉnh Đắk Lắk đã huy động hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cộng đồng để đầu tư vào các chương trình giảm nghèo. Trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh được phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên đầu tư cho 35 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ dân. Song song với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo, khuyến khích cộng đồng dân cư tích cực tham gia giám sát, phản biện và đề xuất các mô hình phù hợp thực tế địa phương.
Một điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Đắk Lắk là việc gắn kết giữa chính quyền địa phương với các tổ chức đoàn thể. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc... đã tích cực vào cuộc với nhiều chương trình sáng tạo như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp”, “Nông dân thi đua làm giàu, giúp nhau thoát nghèo bền vững”...

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang lan rộng, tỉnh Đắk Lắk đã bước đầu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảm nghèo. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hộ nghèo, nền tảng học trực tuyến kỹ năng nghề cho lao động nông thôn... đang từng bước được triển khai thí điểm.
Tỉnh cũng quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Từ năm 2021 đến nay, hơn 12.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều cá nhân, tập thể khởi nghiệp thành công từ chính thế mạnh địa phương như: chế biến cà phê, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển du lịch cộng đồng... Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: địa bàn rộng, giao thông cách trở, thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất; tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn xảy ra ở một số nơi...
Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Lắk xác định nhiệm vụ giảm nghèo giai đoạn tới cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, đánh giá sát thực trạng để có giải pháp hỗ trợ đúng và trúng; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở trong việc theo dõi, giúp đỡ người dân vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.

Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn dân và những giải pháp bài bản, hiệu quả, Đắk Lắk đang từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và giàu mạnh.
Xác định giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai hiệu quả các dự án và tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.