thoi dung nho tet hinh 1

Nhưng cũng có người chép miệng; Thôi đừng nhớ... Tết! Vì vui gì đâu, vì chưa đủ hoang mang, lo lắng khi những cái Tết COVID lần 1, lần 2 cứ đều đặn trôi qua mà cú sốc mang tên Corona vẫn chưa hề biến mất hay sao? Và vì dịch bệnh vẫn hoành hành, tết này chắc gì đã được về quê ăn Tết. Và còn vì tiền đâu mà tiêu Tết khi những khó khăn cứ gọi nhau về hiện diện trong những ngày cuối năm chộn rộn.

Thôi đừng nhớ... Tết, nhưng làm sao thôi nhớ khi trong muôn vàn ký ức yêu thương suốt đời người, những ký ức trong trẻo, non xanh, thân thương mà thiêng liêng nhất là ký ức Tết. Ký ức của những hình ảnh, chồng lớp, đan xen. Là cúc vàng li ti rắc như sao trời trên xanh thẫm mênh mang những vạt hoa ngoại ô. Là lấm chấm đào hồng từ vườn Nhật Tân về sáng bừng cả góc phố ngày đông ảm đạm. Là sắc màu rực rỡ chợ hoa Hàng Lược… Là xanh lá bánh chưng, là hồng đôi câu đối, là những vỉa hè đẫm mưa đỏ xác pháo bời bời. Là ký ức âm thanh ngày cuối năm, là chuyển động náo nhiệt của người, xe, là tiếng người bán mua ngoài chợ. Không thể lẫn. Và cả những tịnh không phăng phắc trầm nhang thời khắc giao thừa… Nhưng, đâu đây còn một ký ức thẳm sâu khác. Ký ức mùi vị. Là hương Tết.

thoi dung nho tet hinh 2

Nếu có ai bảo mùi gì quyến rũ nhất thì với tôi đó không phải là Chanel No5 kinh điển, sự quyến rũ vĩnh hằng của phụ nữ Pháp tinh tế. Tất nhiên nó càng không phải là Clive Christian No.1 Imperial Majesty, thứ nước hoa đắt nhất thế giới với mức giá đến gần 300 triệu, biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp. Đừng nói về cổ chai làm từ vàng 18 carat cùng viên kim cương lấp lánh trị giá 5 carat, hãy nói về 1 thứ mùi vô giá và thượng hạng hơn nhiều. Đó chính là… mùi của Tết, khả năng lưu hương là vĩnh cửu, nhắc nhở tất cả người Việt chúng ta về tình yêu, giá trị gia đình và sự sum vầy…

Nói đến mùi người ta nghĩ sẽ được cảm nhận bằng khứu giác. Nhưng để nói về mùi Tết người ta cảm nó bằng cách rất khác, ấy là cả 5 giác quan cùng với những nhịp rung lên của cảm xúc và trái tim thương nhớ... Ấy là lúc gói bánh chưng, mùi của lá dong, của đỗ, gạo, của hạt tiêu... nó khiến người ta nao nao vô cùng. Lúc nồi bánh chưng được đặt lên bếp sôi lục bục, mùi khói khi canh nồi bánh chưng, mùi củi cháy trong đêm để luôn đỏ lửa, để nước luôn sôi, sẽ “ám ảnh” người ta đến muôn kiếp. Ấy là ấu thơ, là gia đình và là sự hân hoan trẻ nhỏ, thứ dư âm trong sáng tuyệt đối mà đôi lúc giữa những lúc cuộc sống bộn bề mà lòng mình vẫn còn chưa ngăn nắp, nhưng mùi khói từ nồi bánh chưng, mùi ngô nướng, khoai nướng đêm hôm ấy vẫn cứ luẩn quất đến độ nhớ thương.

thoi dung nho tet hinh 3

Ấy cũng là lúc mớ mùi già được đun lên, hương mùi xông khắp căn phòng dịu êm như thanh tẩy tất cả những nỗi buồn của năm cũ. Người ta gọi mùi già là mùi của đêm 30, của nồi nước tắm tất niên truyền từ ông bà, mẹ cha, sang đến đời cháu con. Người ta có thể không biết tại sao mùi già lại có ý nghĩa thanh tẩy, là không khí trong sạch, là lòng người thư thái. Chỉ biết dọn đi hết những không khí u uẩn trong góc nhà, dọn đi hết những ưu phiền là điều có thật của thứ mùi hương ấy... Tết ấy cũng là mùi của nhang khói, 3 ngày Tết mẹ thắp hương rì rầm tiếng khấn vái, mùi hương lan tỏa trong căn nhà thấy ấm êm đến độ đong đầy mọi cảm xúc.

Dư vị ngày Tết không thể thiếu mùi đồ ăn. Chẳng phải vô cớ mà người Việt gọi là ăn Tết. Dù cuộc sống có no đủ rồi thì khi nồi bánh chưng được bắc lên, khi trong nhà có thịt lợn trữ sẵn, có nem rán, có bát canh măng, có dưa hành, có bát thịt đông nấu sẵn, có mứt… thì đó mới là Tết. Tất cả những món ăn làm nên Tết đều có mùi rất riêng, thứ mùi rất nhẹ của hành muối hăng hăng, của vị thơm mứt Tết, của bánh chưng thơm từ gạo, từ lá dong… Nhẹ thôi mà thoang thoảng bao nhiêu năm nhưng luôn luẩn quẩn trong đó len lỏi như khói bếp, cứ mỗi độ Tết đến kẻ tha hương lại lần dở ký ức để thấy 1 thứ mùi bay trong tâm trí đến độ thiết tha 1 cảm xúc không thể gọi tên.

thoi dung nho tet hinh 4

Trong tâm thức người Việt, đi xa là để trở về, như loài cá hồi hương, như chim nhớ tổ. Không ít người - gia đình thừa điều kiện, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố, nhưng tết đến là đóng cửa, “bầu đoàn thê tử” dắt díu nhau về quê. Phải chăng cái chất phiêu dạt của con người cũng như cánh diều vậy, dù bay xa đâu đâu cũng cột mình với quê nhà. Từ một anh “giang hồ” như nhà thơ Phạm Hữu Quang, nhưng: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Cho đến tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, trong khi chinh Nam lòng vẫn luôn đau đáu nhớ Bắc: “Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”. Và như “ông già Nam bộ” Sơn Nam, dù “phong sương mấy độ qua đường phố” giữa Sài Gòn đô hội, nhưng hồn vẫn luôn là “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

Ai đã từng côi cút một mình ở thành phố hun hút xứ người, xa quê hương bản quán, mới thấu hiểu cảm giác da diết nhớ mong, tưởng tượng, thèm khát về một cái Tết quê nhà, mới thấu cảm vì sao một người đàn ông nửa đời xa xứ với những phiêu bạt đời người hằn in trên khóe mắt, vẫn khóc ngon lành như con trẻ trước đĩa dưa hành trong một chiều cuối năm rét ngọt.

thoi dung nho tet hinh 5

Trong cuộc đời, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu cái Tết, và chắc hẳn rằng cũng đã từng có những cái Tết vì lý do nào đó, ở một nơi chốn lạ, không có người thân. Chắc lúc đó trong lòng sẽ buồn, sẽ có nỗi nhớ khôn nguôi. Lạ cho trái tim người, thì cũng là ngày, là đêm. Và Tết cũng chỉ là sự dịch chuyển của thời tiết, là giáp một vòng quay của đất trời. Mà sao những ngày đó ta lại cần vùi trong chăn ấm của ngôi nhà, dẫu chỉ là mái tranh nghèo. Tết, mở toang tất cả cánh cửa kỷ niệm, bỗng dưng nhìn thấy những dấu chân hằn trên bờ sông thời thơ ấu mà ta từng để lại. Bỗng dưng nhớ những lần theo bà nội đi lễ chùa, cũng tập tành chắp tay khấn vái, mà trong miệng thật ra chỉ lắp bắp những âm thanh. Những ngày cuối năm, tôi hay ra sân ga xem những sum vầy, tôi ra quốc lộ xem những chuyến xe nối liền những trái tim. Và tự nhủ có lẽ không đất nước nào như đất nước mình, sợi dây tơ gia đình rất thiêng liêng, Tết là phải trở về, dẫu căn nhà chỉ là một mái lá đơn sơ ở một làng quê hiu quạnh.

thoi dung nho tet hinh 6

Trong truyện ngắn “Dưỡng chất vô hình”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết về Tết như thế này: “…Người xứ mình cần khoảng thời gian đặc biệt như một chặng dừng nghỉ để làm tươi mới mình, một nếp gấp xếp cất đi những vui buồn cũ, một cánh cổng cho người bên kia thế giới đi về. Rằng giá trị tinh thần của Tết không phải là thứ đong được, và tiếng gọi của nó phải vang động lắm nên con người ta có ở tận cùng trái đất cũng đáp lời… Tết được nuôi bằng thứ dưỡng chất mông lung đó”

thoi dung nho tet hinh 7

Thì đó, Tết được nuôi dưỡng bằng thứ dưỡng chất mông lung đó, nên còn biết bao bà mẹ trên mọi miền đất nước, nắm níu nâng niu cả năm cho ba ngày Tết, mong con ngóng cháu lúc giao thừa. Cận Tết, người Việt mình chẳng ai còn nhớ lịch dương. Ngoài chợ, trong công sở, các cô, các chị, các anh kháo nhau bằng lịch “các cụ”. Người ta nhẩm tính hăm mấy thì được nghỉ, hăm mấy đi gửi Tết nội ngoại, hăm mấy thì mua đào, sắm quất…

23 tháng Chạp là cái ngày “khởi động” cho cả mùa Tết. Dù mâm cao cỗ đầy hay trên ban thờ chỉ là những thứ đơn sơ mộc mạc, đã là người Việt những ngày này không thể thiếu nén nhang thơm. Bước vào nhà nào cũng thấy mùi hương trầm ngan ngát. Trong cái se sắt cắt da, mùi hương thơm khiến người ta ấm lòng. Làn khói hương tựa như cái gạch nối giữa con người hiện tại, với thần linh, với ông bà, tổ tiên. Ngay cả người vô tâm, cũng khó tránh được những phút bồi hồi. Và hơn bất cứ lúc nào, dù vẫn cập rập, vẫn gói ghém những việc năm cũ, người ta bắt đầu sống lại những ký ức thân thương…

thoi dung nho tet hinh 8

Có lúc sâu xa ngồi ngẫm, Tết ký ức cũng đang nằm trong sự chen lấn của cuộc sống hiện đại. Tết đang nhạt dần trong dòng chảy xô bồ và thói thực dụng. Nhiều người đã quá no đủ, giàu có. Người bình thường từng trải cũng đều được quay lại giây phút muốn đón Tết cổ truyền, bình dị, thân thương, như hòa vào không khí đụng lợn, chia hoa, gói bánh, đón giao thừa và hái lộc… thuở nào. Nên có người chỉ cần tham gia vào một buổi gói bánh chưng cùng gia đình. Có người chỉ cần tham gia vào một bữa tất niên quê. Ngoài ra chẳng cần gì to tát. Có người muốn trốn đi đâu đó thật xa trong những hành trình trải nghiệm xuân trên nẻo đường xa. Những điều đó đang tưới cảm xúc lên nhiều thứ vốn đang bị chai sạn. Những điều đó sẽ làm chúng ta giữ lại nhiều vẻ đẹp.

Có biết bao phong tục đã phôi pha theo năm tháng. Cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta đi. Nhưng khi Tết đến, ta vẫn cứ cập rập, vội vàng để gói ghém những việc năm cũ. Nhưng cũng chính lúc ấy, đang có một cuộc hành hương lặng lẽ trong lòng, về với nguồn cội, với những nhớ thương. Thế thì làm sao bảo ta: Thôi đừng nhớ... Tết!

thoi dung nho tet hinh 9

Tin khác

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung giải quyết các 'điểm nghẽn' thể chế

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung giải quyết các 'điểm nghẽn' thể chế

(CLO) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” thể chế và sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian 'Việt Nam - những sắc màu Di sản'

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian 'Việt Nam - những sắc màu Di sản'

(CLO) Tối 22/11, trong không khí chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu Di sản” chính thức khai mạc tại Nghệ An.

Đưa văn học nghệ thuật đến gần công chúng trong thời đại số

Đưa văn học nghệ thuật đến gần công chúng trong thời đại số

(CLO) Với chủ đề “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng?”, buổi tọa đàm do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa và nghệ sĩ.

Hàng loạt di tích mở cửa miễn phí trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Hàng loạt di tích mở cửa miễn phí trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

(CLO) Nhân Ngày di sản Văn hoá Việt Nam 23/11, hàng loạt di tích lịch sử thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp tất cả du khách tới tham quan.

Trưng bày cổ vật Đông Sơn được phát hiện ở Vĩnh Phúc

Trưng bày cổ vật Đông Sơn được phát hiện ở Vĩnh Phúc

(CLO) Hàng trăm tài liệu, cổ vật có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm, phản ánh sự hình thành và phát triển của nền văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc.

Liên hoan phim hoạt hình 'Dòng khát vọng' chính thức khai màn

Liên hoan phim hoạt hình 'Dòng khát vọng' chính thức khai màn

(CLO) Lần đầu tiên, Liên hoan phim hoạt hình “Dòng khát vọng” được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm ngành Hoạt hình Việt Nam ra đời (9/11/1959).