Thổi giá máy xét nghiệm COVID-19: Báo động việc “chỉ định thầu”!

Thứ ba, 28/04/2020 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Việc hàng loạt vụ mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 bị thổi giá là hồi chuông báo động về hình thức “chỉ định thầu” và đã đến lúc cần giám sát chặt chẽ hình thức này cũng như có biện pháp xử lý cương quyết, nghiêm minh việc trục lợi ngân sách nhà nước để tư lợi.

Sự việc thổi giá máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội nhằm trục lợi ngân sách nhà nước đã khiến dư luận vô bức xúc.

Sự việc thổi giá máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội nhằm trục lợi ngân sách nhà nước đã khiến dư luận vô bức xúc.

1. Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Theo báo Đấu thầu, trong 4 doanh nghiệp có liên quan đến vụ án thì có 2 doanh nghiệp (nhà thầu) được chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến phòng, chống COVID-19 tại CDC Hà Nội.

Cụ thể, trong số 37 gói thầu về phòng, chống COVID-19 được CDC Hà Nội công bố kết quả chỉ định thầu, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam được chỉ định thực hiện Gói thầu số 15 Mua trang thiết bị cho phòng xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Đợt 1), với giá chỉ định thầu trùng khớp với giá gói thầu 9.540 triệu đồng.

Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech được chỉ định thực hiện 3 gói thầu nguyên giá (tỷ lệ tiết kiệm 0%). Đó là: Gói thầu số 22 mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho các trường hợp được cách ly tập trung trước khi bàn giao về cách ly tại địa phương (giá chỉ định thầu 1.236 triệu đồng); Gói thầu số 26 mua môi trường vận chuyển vi rút hô hấp và que lấy mẫu dịch tỵ hầu phục vụ công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 (giá chỉ định 1.020 triệu đồng); Gói thầu số 30 mua môi trường vận chuyển vi rút hô hấp phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 (giá chỉ định là 400 triệu đồng).

Đối với gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước, hiện CDC Hà Nội vẫn chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Chiều ngày 23/4/2020, C03 - Bộ Công an bước đầu cho biết: Đơn vị này đã xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phục vụ cho phòng, chống dịch COVID -19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Mặc dù vậy, CDC Hà Nội đã mua vào lại thiết bị này với giá lên tới 7 tỷ đồng, tức chênh lệch 4,7 tỷ đồng.

Việc nâng giá hệ thống máy xét nghiệm tự động được thực hiện khi các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào.

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phục vụ cho phòng, chống dịch COVID -19 được CDC Hà Nội mua sắm qua hình thức “chỉ định thầu”.

Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm do nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm do nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

2. Không chỉ tại Hà Nội, nhiều tỉnh thành cũng thực hiện việc mua sắm hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 qua hình thức "chỉ định thầu" như tại Quảng Ninh, Quảng Nam hay Thái Bình.

Tại Quảng Ninh, theo thông tin ban đầu, ngày 1/3/2020, Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao) đã ký hợp đồng là 8,4 tỉ đồng để mua hệ thống xét nghiệm Qiagen. Mức giá này dựa trên kết quả thẩm định của Công ty CP Thẩm định giá Quảng Ninh và Sở Tài chính Quảng Ninh.

Đến ngày 15/3, C03 - Bộ Công an đã làm việc với Quảng Ninh về việc mua hệ thống xét nghiệm. Ngày 23/3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm còn 7 tỉ (giảm 1,4 tỉ). Ngày 19/3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng, nhưng ngày 21/4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỉ, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỉ so với phụ lục ngày 23/3.

Tỉnh Thái Bình mới đây đã đàm phán lại và được giảm giá từ trên 6 tỉ còn 5,8 tỉ đồng, chưa tính các quyền lợi bảo hành cùng vật tư y tế kèm theo sau khi họ đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR. Tức là mua xong máy, đã lắp đặt và sử dụng sau đó mới tiến hành đàm phán giá.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, tỉnh này đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.

Đối với tỉnh Quảng Nam, ngày 1/4, CDC Quảng Nam đã đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Việc mua sắm này theo hình thức chỉ định thầu với giá 7,2 tỷ đồng.

Một chiếc máy xét nghiệm COVID-19 được các doanh nhân mua tặng chỉ có giá hơn 2 tỷ đồng nhưng tại các tỉnh giá trị đã được đẩy lên gấp nhiều lần qua hình thức mua sắm là chỉ định thầu.

Một chiếc máy xét nghiệm COVID-19 được các doanh nhân mua tặng chỉ có giá hơn 2 tỷ đồng nhưng tại các tỉnh giá trị đã được đẩy lên gấp nhiều lần qua hình thức mua sắm là chỉ định thầu.

3. Qua việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 tại các tỉnh thành trên có thể thấy giá của một chiếc máy xét nghiệm đều rơi vào khoảng từ 6 đến 7 tỷ đồng. Nhưng trái ngược với việc mua sắm của những đơn vị Nhà nước; mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường (tên thường gọi là Cường Đô La) đã tặng ngành y tế Gia Lai hệ thống Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 loại tương tự với hệ thống mà CDC Hà Nội đã mua nhưng chỉ với giá 2 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 10/4, Công ty Cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường do doanh nhân Nguyễn Quốc Cường làm giám đốc phối hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch C.Travel Gia Lai đã tặng cho ngành y tế Gia Lai hệ thống Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 có xuất xứ từ Singapore. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Gia Lai dùng máy để xét nghiệm ngay khi được Bộ Y Tế cho phép, thay vì phải gửi mẫu bệnh phẩm đến Đắk Lắk hay TP.HCM.

Một doanh nhân khác là ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Dabaco Việt Nam ngày 1/4 cũng đã trao tặng Hệ thống máy xét nghiệm chuẩn đoán COVID-19 trị giá 2 tỷ 560 triệu đồng và 1000 bộ kit test phát hiện COVID-19 trị giá 800 triệu đồng, cho Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh Bắc Ninh.

Những chiếc máy xét nghiệm COVID-19 có giá trị chỉ hơn 2 tỷ đồng được các doanh nhân mua tặng các Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Bắc Ninh được xác định không khác gì loại máy được CDC Hà Nội mua với giá “trên trời”. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng việc lợi dụng chỉ định thầu đã dẫn đến các đối tượng, doanh nghiệp trục lợi ngân sách nhà nước, hình thành lợi ích nhóm?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay để trục lợi cho cá nhân là không thể chấp nhận được, phải xử lý cương quyết, nghiêm minh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay để trục lợi cho cá nhân là không thể chấp nhận được, phải xử lý cương quyết, nghiêm minh.

4. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Như vậy, có thể thấy, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.

Như vậy, bản chất của đấu thầu đã được xã hội thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để được thực hiện một việc nào đó, một yêu cầu nào đó.

Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu cũng quy định về việc “chỉ định thầu”. Cụ thể, Điều 22 Luật đấu thầu quy định: Có thể chỉ định thầu trong một số trường hợp cấp bách như thiên tai, dịch bệnh...việc áp dụng mức giá như thế nào khi chỉ định thầu thì lại tùy cơ quan, tổ chức yêu cầu. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, có thể lỗ hổng ở việc “chỉ định thầu” đã khiến các đối tượng lợi dụng trục lợi. 

"Mua sắm tốt nhất thông qua đấu thầu, việc chỉ định thầu tức đã triệt tiêu sự cạnh tranh và qua đó có nguy cơ có thể dẫn đến mức giá không hợp lý" – một chuyên gia cho biết.

Đối với sai phạm tại CDC Hà Nội, có thể thấy, hình thức chỉ định thầu đã tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm do không có sự cạnh tranh, chỉ một người mua và một người bán, thủ tục đơn giản. Với cơ chế chỉ định thầu, nếu các bên không thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm và đạo đức thì rất dễ xảy tiêu cực.

Trả lời báo chí về vụ việc Bộ Công an bắt giữ Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm do nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Đối với những cán bộ này, phải xử lý ở mức phạt cao nhất trong khung hình phạt cho tội danh đó để trừng trị thích đáng, không dung thứ bất cứ một ai, dù người đó là người thế nào. Chỉ có như vậy người dân mới có thể thoả mãn, mới có thể yên tâm được. 

Ông Hòa cho rằng: Rút kinh nghiệm ở Hà Nội, các tỉnh thành cũng cần rà soát lại công tác mua sắm thiết bị y tế của địa phương mình đã thực hiện đúng quy định hay chưa, giá cả thế nào, chênh lệch giá ra sao.

“Chúng ta không "vơ đũa cả nắm" cho rằng các nơi khác đều có tình trạng như vậy nhưng cần phải cảnh giác, phải xem xét cẩn thận, không để xảy ra thất thoát, hư hao ngân sách nhà nước để trục lợi cho cá nhân. Các địa phương cần rà soát, nếu đúng thì phát huy để làm tốt hơn, nếu chưa đúng có dấu hiệu bất thường thì phải thanh tra, điều tra làm rõ để trả lời công luận”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quốc Trần

Tin khác

Ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

Ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

(CLO) Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương

Tin tức
Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức