1. Tối muộn ngày 2/4, thông tin từ Công an Đà Nẵng cho biết, Trung tâm chỉ huy thông tin thành phố nhận được tin báo của nhân dân, có nhóm đối tượng đua xe và cướp giật người đi đường. Theo đó, Công an quận Sơn Trà được giao nhiệm vụ triển khai lực lượng truy đuổi nhóm đối tượng nêu trên. Trong khi truy đuổi đã xảy ra va chạm giao thông khiến hai đồng chí cảnh sát giao thông trật tự hy sinh tại chỗ, một người dân bị thương.
Thông tin này ngay sau khi báo chí đăng tải đã khiến dư luận bùng lên “cơn bão” giận dữ. Sự phẫn nộ của dư luận cũng là điều dễ hiểu bởi đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho cộng đồng, mà còn là hành động phản cảm, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hết sức chung tay chống dịch.
Nhiều người dân bức xúc cho rằng, hành vi này không còn là “chơi nổi” mà đây chính là những kẻ quay lưng với cộng đồng, với đất nước. Cần nhanh chóng truy bắt những đối tượng gây ra vụ việc, đưa ra trừng trị trước pháp luật để làm gương, tạo sự răn đe cho những đối tượng khác đang manh nha, đang toan tính có những hành vi tương tự khác.
2. Vấn nạn đua xe đã có từ hơn 10 năm trước, mặc dù đã bị các lực lượng chức năng trấn áp, xử lý, nhưng thời gian gần đây có dấu hiệu bùng phát trở lại. Hàng loạt các vụ việc đã bị phát hiện, xử lý nhờ tin báo từ quần chúng nhân dân như: vụ bắt giữ, xử lý các “quái xế” đua xe ở quốc lộ 1 vào ngày 1/3; 150 “quái xế” liên tỉnh đua xe vào ngày 22/3 cũng bị bắt giữ, thậm chí nhiều nhóm “quái xế” khi đua xe còn mang theo nhiều mã tấu, sẵn sàng “va chạm” khi bị cản trở...
Báo chí, dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, xem đây là vấn nạn cần bị loại bỏ ngay bởi nó ảnh hưởng tới sự an nguy của cộng đồng, của những người dân vô tội và cả những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Câu chuyện buồn xảy ra tại Đà Nẵng tối 2/4 là ví dụ mới nhất về sự quay trở lại của vấn nạn đáng lo ngại này. Cuộc đua xe của các “anh hùng xa lộ” đã để lại hậu quả đau lòng khi có 2 chiến sĩ CSGT hy sinh.
Trong Luật Giao thông đường bộ, hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép đang bị phạt tiền ở mức cao nhất từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng, cùng với đó là tước giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng và tịch thu phương tiện. Một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có phải mức xử phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, vấn nạn đua xe trái phép gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đã đến lúc phải xem như một hành động giết người cần lên án. Đây không còn là việc cảnh tỉnh, tuyên truyền về những hậu quả khôn lường do hành vi này gây ra, mà phải chặn đứng ngay mối hiểm họa chực chờ người tham gia giao thông.
Trong đó, không thể không nói đến trách nhiệm từ phía gia đình của những đối tượng đua xe. Chính sự quản lý lỏng lẻo từ gia đình, sự nuông chiều, không hiểu tâm lý, cũng như ít quan tâm dạy bảo con cái, chính là họ đã vô tình đẩy con mình vào tệ nạn, “đánh bạc” với mạng sống chỉ để lấy một chút hư danh.
Vấn nạn này để được giải quyết, không chỉ phụ thuộc vào lực lượng chức năng mà cần sự hỗ trợ của gia đình và toàn xã hội. Qua đó, tạo ra môi trường hoạt động cộng đồng lành mạnh, nâng cao trình độ nhận thức, văn hóa giao thông của mỗi cá nhân. Nhất là kịp thời uốn nắn những suy nghĩ và hành động lệch lạc, nâng cao trách nhiệm, ý thức công dân của mỗi con người, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà gây nên tội ác, ảnh hưởng tới sự an nguy của cộng đồng. Đó là thói ích kỷ cần bị loại trừ.
Gia Nguyên