“Thỏi nam châm” của du lịch miền Đông Bắc

Thứ năm, 22/11/2018 07:18 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Một vinh dự cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cao Bằng nói riêng, du lịch Việt nói chung: Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO. Bởi tại Việt Nam, trước đó mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn được nhận danh hiệu CVĐCTC và trên thế giới, chỉ có khoảng hơn 30 quốc gia có CVĐCTC.

Tổ hợp nhiều di sản văn hóa đa dạng

CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng  nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300km với tổng diện tích hơn 3.275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Nơi đây hội tụ rất nhiều danh lam thắng cảnh như  Phia Oắc - Phia Ðén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, Hang Kỳ Rằng, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít… và nhất là thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất thế giới.

CVÐC bao phủ gần như hoàn toàn các vùng văn hóa đặc sắc của Cao Bằng với sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Sự đa dạng về địa lý đã tạo nên bức tranh đặc sắc tổng hòa các giá trị văn hóa, con người của nhiều dân tộc anh em cư trú trên địa bàn gồm Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…

CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Báo Công luận
Thác Bản Giốc. 
Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Đây chính là những di sản địa chất đặc sắc và cũng là một trong những lý do căn bản để UNESCO quyết định lựa chọn CVĐC này.

Không chỉ các điều kiện địa chất, địa mạo độc đáo, CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng còn là một tổ hợp nhiều di sản văn hóa đa dạng. Ngoài ra, vùng đất này xưa kia là kinh đô của một số triều đại phong kiến. Ðặc biệt còn là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bề dày văn hóa, lịch sử được thể hiện với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có các di tích quốc gia đặc biệt như: Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; rừng Trần Hưng Ðạo, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Vẻ đẹp của CVÐCTC thứ hai của Việt Nam còn ở những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của những làng nghề truyền thống như làm hương, dệt thổ cẩm, rèn…

Điểm nhấn đặc biệt thu hút của du lịch Cao Bằng

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc công nhận của Hội đồng Chấp hành UNESCO với CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có ý nghĩa rất lớn. Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được UNESCO trao cho danh hiệu CVĐCTC. Ở khu vực Đông - Nam Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng Văn của Việt Nam. Được UNESCO công nhận đồng nghĩa với việc CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng sẽ mang tầm vị thế khác trên bản đồ du lịch thế giới, có sức hút mạnh mẽ với du khách năm châu.

Báo Công luận
Hồ Thang Hen. 
Là một tỉnh nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, Cao Bằng có bề dày về lịch sử, văn hóa, cách mạng, và có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Vì thế, từ việc nhận thức rất rõ những lợi điểm lớn nếu được UNESCO công nhận, từ năm 2015, các cơ quan quản lý tại Cao Bằng đã phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam và Tiểu ban Kỹ thuật về CVĐCTC của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lên kế hoạch từng bước xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới CVÐCTC của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO. Đến tháng 11/2016, tất cả hồ sơ và ba tuyến du lịch trong công viên địa chất này cũng được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO. Đến tháng 7/2017, nhóm chuyên gia của UNESCO đã đến Cao Bằng để thẩm định.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến tháng 9/2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ CVĐC Non Nước để trở thành CVĐCTC. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.

Với danh hiệu này, như chia sẻ của ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng: “CVĐCTC Non nước Cao Bằng sẽ là điểm nhấn mới trong bản đồ di sản, du lịch của Việt Nam, nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở địa đầu Tổ quốc. Ngoài mục tiêu giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa có giá trị, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển du lịch, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”. Và CVĐCTC Non nước Cao Bằng - “thỏi nam châm” giàu sức hút của du lịch Cao Bằng - chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh miền đông bắc này.

Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác ba tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐCTC Cao Bằng theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO. Cụ thể gồm có: Tuyến du lịch phía tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến Cụm du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng) và tuyến du lịch cụm phía Đông - “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang). Các tuyến du lịch với tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh, 5 trung tâm thông tin, điểm trưng bày và tuyên truyền Công viên địa chất, 3 cụm tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa, phát triển 20 đối tác công viên địa chất, 21 bãi đỗ xe, dừng chân ngắm cảnh, 29 biển báo (SP) điểm công viên địa chất, 34 điểm thuyết minh (IP) tại điểm di sản, 9 biển cổng chào/quảng bá công viên địa chất (A/E).

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương