Thống nhất nhận thức để công bằng trong đánh giá về dự án BOT

Thứ năm, 05/09/2019 20:03 PM - 0 Trả lời

CLO) Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các Nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức ngày 4/9 đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ phía chuyên gia, doanh nghiệp, nhà báo...

Báo Nhà báo & Công luận xin ghi lại những nhận định, kiến nghị, giải pháp để công chúng có những nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, khách quan về vấn đề này.

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Cần có cái nhìn khách quan công bằng và cân bằng về xây dựng BOT

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (ảnh: Sơn Hải)

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (ảnh: Sơn Hải)

Thay mặt chủ trì hội thảo, tôi xin nêu rút gọn lại một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, thông qua hội thảo lần này, Hội nhà báo Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam và các đại biểu dự hội thảo kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng của nhà nước sớm ban hành luật PPP với những điều khoản cụ thể và các văn bản liên quan để xoá bỏ những bất cập từ các quy định của chính sách pháp luật đã không còn phù hợp, tạo điều kiện để nhà đầu tư an tâm xây dựng và thực hiện các dự án. Cần có các giải pháp, biện pháp kiểm soát tổng mức đầu tư của từng dự án, chống đội vốn, chống lợi ích nhóm. Mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc ngay từ khi xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án là việc làm cần thiết.

Hai là, thực hiện nghị quyết 13 của Trung ương Đảng về xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó chủ trương hợp tác công tư (PPP) là một vấn đề mới, tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu, nhưng đây là lĩnh vực ở nước ta còn thiếu kinh nghiệm. Trong bước đi ban đầu ấy, bên cạnh những mặt được, không tránh khỏi tiêu cực, bất cập, vướng mắc. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã nhận thức được và từng bước xử lý, tháo gở. Tuy nhiên việc giải quyết bất cập, khó khăn vướng mắc đến nay vẫn phải cần sự nỗ lực lớn của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương mà trước hết là các cơ quan, đơn vị chức năng của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, hiệp hội chuyên ngành và giới báo chí.

Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội thảo (ảnh: Sơn Hải)

Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội thảo (ảnh: Sơn Hải)

Về trách nhiệm của giới báo chí, để tạo thuận lợi cho quá trình khắc phục thiếu sót, xây dựng được pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm khơi thông được nguồn lực, khuyến khích được nhà đầu tư, tạo được cách làm mới hiệu quả, xoá bỏ được nhận thức lệch lạc, định kiến, tạo được nhận thức đồng thuận trong cộng đồng xã hội, đề nghị giới báo chí một số điểm sau đây:

Cần có cái nhìn khách quan công bằng và cân bằng về xây dựng BOT, không khoét sâu những sai lầm, tiêu cực trong thực hiện BOT trước đây. Những dự án BOT đang có vấn đề đang thanh tra, điều tra thì đưa theo kết luận chính thức của thanh tra, điều tra. Khắc phục triệt để lối đưa tin suy diễn, quy kết, quy chụp, không rõ ràng gây hiểu nhầm trong công chúng. Việc phê phán các sai phạm là cần thiết, nhưng không đẩy vấn đề nóng lên, khó kiểm soát, định hướng dư luận như thời gian qua. Không vì một sai sót bất cập xẩy ra ở một địa chỉ mà làm cho công luận hiểu tất cả các địa chỉ khác cũng như vậy.

Thông tin với liều lượng nhiều hơn, đậm hơn, nội dung sâu hơn những nỗ lực cố gắng để trả lại giá trị đích thức của BOT. Có nhiều tác phẩm báo chí viết về các dự án, nhà đầu tư, người dân có những đóng góp tích cực xây dựng hạ tầng giao thông, hợp tác công tư theo mô hình BOT.

Cần có những bài viết sâu, có sức thuyết phục nêu lên những thành tựu, thuận lợi cũng như những khó khăn, bất cập từ cơ chế, chính sách, từ đó các cơ quan chức năng có cơ sở tiếp thu trong quá trình xây dựng luật PPP và ban hành các văn bản khác liên quan.

Báo chí cần chủ động đấu tranh với tin giả, tin xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội liên quan đến BOT.

Ba là, về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về cung cấp thông tin và xử lý thông tin. Chúng ta thấy, nguyên nhân có sự nhìn nhận thiên lệch, định kiến của xã hội trong thời gian qua có một phần do cơ quan nhà nước có chức năng thẩm quyền quản lý lĩnh vực hạ tầng giao thông và các chủ đầu tư dự án. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT định kỳ thông tin cho báo chí, và khi có sự kiện tích cực hay  những vấn đề tiêu cực diễn ra thì Bộ nhanh chóng cung cấp thông tin và phát ngôn nội dung chi tiết, cụ thể diễn biến, nguyên nhân sự việc để báo chí tuyên truyền theo thông tin do bộ cung cấp. Khắc phục triệt để việc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Bốn là, bên cạnh hoạt động cung cấp thông tin của Bộ GTVT, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ là nơi cần tìm hiểu sự việc, nắm bắt dư luận và đưa ra các ý kiến xây dựng, phản biện làm cho thông tin báo chí có sự tin cậy và sức thuyết phục công chúng, góp phần hoá giải những thông tin xung đột, bất lợi. Đề nghị các nhà đầu tư tạo mọi thuận lợi cung cấp thông tin cho báo chí sớm và minh bạch, không để các sự việc xẩy ra lùm xùm, tai tiếng kéo dài. Tích cực phản ánh cho báo chí những vướng mắc, bất cập, rào cản mà nhà đầu tư đang phải đối mặt, đồng thời phản ánh để đưa tin động viên, khích lệ sự nỗ lực, sáng tạo trong doanh nghiệp...

Năm là, Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp, thường xuyên có ý kiến với các cấp hội, cơ quan báo chí tôn vinh, động viên tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao về hạ tầng giao thông. Đồng thời kiểm sát, xử lý các sai phạm của phóng viên trong tác nghiệp báo chí để tuân thủ theo đúng đạo đức nghề nghệp báo chí Việt Nam. Từ Hội thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng giới báo chí trong cả nước luôn luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, các nhà đầu tư tuyên truyền thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, xóa bỏ được định kiến, thiên lệch về BOT trong nhận thức của cộng đồng xã hội, trả lại giá trị đích thực của BOT trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:

                 Tôi đã kiến nghị tới Chính phủ phải thay đổi tư duy làm luật

Tôi cho rằng các dự án hạ tầng giao thông phải là đột phá chiến lược, trong đó các dự án PPP được coi là đột phá trong đột phá từ cách làm và thể chế. Hiện nay, nguyên nhân khiến BOT giao thông bất ổn thời gian qua, thứ nhất là tính bất ổn giá cả. Thứ hai là thực tế môi trường chính sách, hệ thống pháp lý của chúng ta có tính bất ổn cao. Chúng ta nỗ lực làm luật theo nghĩa ứng phó, cơi nới nhiều hơn trong khi nền tảng cũ bị xung đột rất nhiều. Tôi đã kiến nghị tới Chính phủ phải thay đổi tư duy làm luật, nếu không, chẳng chủ đầu tư nào có thể sống được với tình trạng thay đổi chính sách, đây là rủi ro về mặt chính sách. Tôi cho rằng, chúng ta thậm chí cần có những khuôn khổ chính sách riêng cho những dự án đặc biệt. Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến vốn. Những dự án BOT cho các công trình trọng điểm, cần phải được coi là sứ mệnh quốc gia, chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư. Vậy tính quốc gia ở các dự án hiện nay ở đâu, tính chia sẻ trách nhiệm như thế nào?

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam (Ảnh: Sơn Hải)

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam (Ảnh: Sơn Hải)

Riêng đối với các dự án BOT, tôi cho rằng phải coi đó mang tính quốc gia và chúng ta phải khuyến khích người thắng chứ không phải chọn người thắng. Nếu đơn vị nào cam kết về chất lượng, trách nhiệm thì nhà nước phải hỗ trợ, kể cả việc đứng ra bảo lãnh vốn để chủ đầu tư vay vốn ngân hàng. Theo tôi, đối với những dự án lớn về hạ tầng, chính phủ phải coi đó là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên. Thực tế hiện nay doanh nghiệp trong nước không được coi trọng, bị trói buộc kinh khủng quá trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại được tạo điều kiện quá mức dù năng lực của họ không hơn gì nhiều so với chúng ta. Vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta phải có chủ đích rõ ràng rằng đây là cơ hội đầu tiên để Doanh nghiệp Việt lớn lên. Thiết kế chính sách, xây dựng luật phải hướng tới mục tiêu đó. Còn về phía truyền thông, tôi cho rằng, truyền thông nên có định hướng tuyên truyền hiệu quả hơn nữa. Thứ nhất là nên tuyên truyền sâu về cái mới của dự án BOT so với các dự án thông thường khác hiện nay như thế nào. Thứ hai là trong việc “đột phá” thì cần gì để vượt qua, vướng mắc hiện nay có cần phải kéo dài như thế, gây khó khăn cho các bên hay không?... Rồi mạng xã hội hiện nay đang có nhiều thông tin trái chiều mà báo chí cần phải có những cách thức, định hướng cho chính xác, đầy đủ và toàn diện thông tin.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

                       Điều quan trọng là phải thống nhất về mặt nhận thức

Vấn đề của chúng ta khi đề cập tới các dự án hạ tầng giao thông là chưa đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Hiện nay rủi ro đối với các dự án BOT rất nhiều nhưng việc chia sẻ rủi ro lại rất ít. Tôi cho rằng điều cần làm đầu tiên là phải thống nhất về mặt nhận thức. Sự thống nhất về mặt nhận thức không nằm ở việc chúng ta không làm được đường mà là ở chỗ chúng ta tự tạo ra những rào cản, tự tạo ra các rủi ro và không tìm ra được giải pháp. Bên cạnh việc coi các dự án BOT là một trong những sứ mệnh và có thể đặt giai đoạn cho nó.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Sơn Hải)

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Sơn Hải)

Sau nữa, điều quan trọng là phải đưa tất cả những gì liên quan tới lợi ích ra ánh sáng, phân phối ngay trong thể chế. Chúng ta phải công khai trong dự án này thì doanh nghiệp được gì, nhà nước được gì và người dân được gì (cả vật chất lẫn tinh thần). Tiếp đến chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền từ trung ương tới địa phương để tất cả các chủ thể trong xã hội từ người dân, địa phương cho đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đều phải “vào cuộc”, tránh tình trạng: khi vui thì vỗ tay vào, đến khi sóng cả thì nào thấy ai”...

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN):

               Báo chí rất cần thông tin hai chiều để phản ánh kịp thời tới bạn đọc

Báo chí cần góp phần làm rõ những vấn đề như các ưu điểm của dự án giao thông được đầu tư theo hình thức PPP, kinh nghiệm thực tiễn từ nước ngoài về các dự án PPP, những rào cản đối với nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP…

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) (ảnh: Sơn Hải)

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) (ảnh: Sơn Hải)

Ngoài ra, báo chí cũng cần đưa ra các ý kiến, góp phần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hình thức PPP. Báo chí rất cần thông tin hai chiều để phản ánh kịp thời tới bạn đọc. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm thế nào để báo chí hiểu đúng nhằm tuyên truyền cho chính xác. Các nhà đầu tư cũng cần thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ tới cơ quan báo chí các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư, tiến độ xây dựng, những vấn đề phát sinh để thông tin đăng tải trên báo chí được khách quan, toàn diện. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng nên có phản hồi, trao đổi về những vấn đề mà báo chí đã đăng tải, để tạo nên luồng thông tin chính xác, đúng với bản chất sự việc.

Doanh  nhân Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả:

                   6 kiến nghị nhằm sớm tháo gỡ những bất cập, rào cản

Một là, đối với cơ chế chính sách. Chính phủ cần giao cho các Bộ, ngành thống kê, đánh giá tổng thể việc thu hút đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi ODA trong thời gian 25 năm qua và so sánh về kinh tế xã hội việc sử dụng vốn nhà nước kết hợp với vốn tư nhân (PPP) trong thời gian 10 năm qua. Từ đó định hướng phát triển và xây dựng cơ chế chính sánh đầu tư PPP kết hợp với ban hành các chính sách cho các ngân hàng trong nước khi đồng hành cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay. Chính phủ sớm xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật PPP để có hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia thực hiện dự án.

Doanh  nhân Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (Ảnh: Sơn Hải)

Doanh  nhân Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (Ảnh: Sơn Hải)

Hai là, đối với cơ quan nhà nước. Đề nghị cơ quan nhà nước ứng xử với các nhà đầu tư như một đối tác thực sự công bằng, tuân thủ hợp đồng và xử lý xung đột qua đàm phán, tránh đơn phương đưa ra các văn bản hành chính, hồi tố lại các hợp đồng đã ký gây bất lợi cho dự án và doanh nghiệp. Trường hợp phát sinh yếu tố bất khả kháng, cần thương thảo và thống nhất với các thành phần liên quan là ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư cùng đồng lòng kiến nghị với Thủ tướng, quốc hội từng bước tháo gỡ. Phân cấp để địa phương thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền để dễ tháo gỡ các vướng mắc, nhất là công tác GPMB, giá vật liệu, thu phí... Bộ GTVT cần thực hiện chức năng của Bộ chuyên ngành và quản lý nhà nước.

Ba là, đối với Ngân hàng. Chúng tôi luôn yêu cầu đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT cho vay và trách nhiệm chung đối với hạ tầng giao thông đất nước để cùng nhau xác định trách nhiệm chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ công quyền nhằm tháo gỡ các vướng mắc cơ chế bất cập hiện nay. Trong trường hợp nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thay đổi hợp đồng dự án dẫn đến hợp đồng tín dụng bất lợi, đề nghị ngân hàng phối hợp cần tổng hợp các khó khăn vướng mắc cơ chế chính sách trình Quốc hội, Chính phủ xem xét cùng tháo gỡ đồng bộ thông qua việc xây dựng điều chỉnh chính sách vĩ mô.

Bốn là, đối với các cơ quan kiểm tra, giám sát. Cần công tâm để đánh giá các sai sót của dự án không chỉ là khối lượng, giá trị, thủ tục pháp lý mà cần đánh giá tổng thể việc cam kết của nhà nước không được đảm bảo dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Cần đo lường được các lợi ích, hiệu quả từ dự án mang lại, từ đó có đánh giá khách quan về việc triển khai dự án, từ đó thông tin để cộng đồng xã hội có nhận thức đầy đủ về lĩnh vực PPP. Việc kiểm tra, giám sát, điều tra phải vì mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy dự án, tránh việc gia tăng áp lực khi dự án đang gặp phải những khó khăn. Các bên cần cùng nhau hội thảo các chuyên đề về hình thức đầu tư PPP nhằm biết rõ nguồn vốn, dòng tiền vào dự án qua đó xác định tổng mức đầu tư khác với tổng vốn đầu tư, đặc biệt là xác định nhà đầu tư và nhà thầu khác nhau.

Năm là, đối với truyền thông. Bên cạnh việc thông tin các mặt tồn tại của các dự án để điều chỉnh phù hợp, các cơ quan truyền thông cần đồng hành với dự án để thông tin đầy đủ về quá trình triển khai, những khó khăn gặp phải, phản ánh tiếng nói của nhà đầu tư, biểu dương những kết quả tích cực để cộng đồng xã hội hiểu và chia sẻ với các bên liên quan. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra hoạt động tác nghiệp của phóng viên, tránh tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.

Các phóng viên tác nghiệp bên lề hội thảo (Ảnh: Sơn Hải)

Các phóng viên tác nghiệp bên lề hội thảo (Ảnh: Sơn Hải)

Sáu là, đối với người dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được việc đầu tư theo hình thức BOT trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn là chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước. Từ đó, người dân có cái nhìn khách quan đối với các dự án BOT hiện nay và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp. Trong bối cảnh hiện nay của đất nước cần xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, người dân hãy cùng chia sẻ với những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Thông qua các tổ chức đoàn thể, Đảng bộ trong doanh nghiêp, Ban Dân vận, cơ quan truyền thông... tổ chức hội thảo để chia sẻ, đối thoại nhằm cung cấp thông tin trung thực, từng bước tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách và thượng tôn pháp luật. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận là các Dự án phức tạp, khi thực hiện chúng tôi đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Nhưng với niềm tin của người dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhà nước khi kịp thời điều chỉnh các bất cập, khi thông tin tuyên truyền của cơ quan truyền thông chính xác, khi ý thức trách nhiệm của các bên liên quan đến Dự án được nâng cao thì chúng tôi đã có thêm nguồn động viên, khích lệ để vượt qua các khó khăn và thực hiện hoàn thành các Dự án.

Hà Vân (ghi)

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội