Thế giới 24h

Thủ đô Seoul đối mặt với cuộc xâm lấn của 'bọ tình yêu'

Hà Trang (theo The Guardian) 01/07/2025 06:56

(CLO) Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc xâm lấn ồ ạt của một loài côn trùng được gọi là “bọ tình yêu” – gây nên tranh cãi gay gắt về cách kiểm soát dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

Đoạn video lan truyền cho thấy cảnh tượng bọ bao phủ núi Gyeyangsan ở Incheon, nơi có các tuyến đường đi bộ và đài quan sát.

Người đàn ông bị loài bọ này bám khắp người. (Video: Kim Lark/ Instagram)

"Bọ tình yêu", tên khoa học Plecia longiforceps, được đặt tên theo hành vi giao phối đặc biệt: bay đôi khi giao phối. Con đực chỉ sống 3–4 ngày, con cái đẻ trứng trong đất ẩm và chết sau khoảng một tuần.

Loài này có nguồn gốc từ vùng cận nhiệt đới ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Chúng lần đầu được ghi nhận tại Hàn Quốc vào năm 2022 trong một đợt bùng phát lớn.

Các chuyên gia cho rằng khí hậu ấm lên và đô thị hóa ở khu vực núi đang tạo điều kiện thuận lợi cho bọ lan đến các vùng ôn đới. Hiệu ứng đảo nhiệt tại Seoul càng làm thành phố trở nên lý tưởng cho loài này.

Screenshot 2025-06-30 211259
Một cuộc khảo sát cho thấy 86% người dân Seoul coi bọ là loài gây hại mặc dù chúng có lợi ích về mặt sinh thái. (Ảnh: Jonghwan Choi)

Số đơn khiếu nại từ người dân đã tăng từ 4.418 năm 2023 lên 9.296 vào năm ngoái. Incheon nhận hơn 100 báo cáo chỉ trong một ngày trong năm nay.

Đợt bùng phát khiến dư luận tranh cãi gay gắt về biện pháp xử lý. Chính quyền Seoul cho biết bọ không gây hại trực tiếp đến con người: chúng không cắn, không hút máu, cũng không phá hoại. Thậm chí, chúng có ích – thụ phấn cho hoa và giúp cải tạo đất.

Nhà chức trách cảnh báo không nên lạm dụng thuốc trừ sâu vì có thể gây hại cho các loài khác và cả con người. Thay vào đó, người dân được khuyên nên xịt nước để đuổi bọ, dùng bẫy đèn, miếng dính và tránh mặc đồ sáng màu khi ra ngoài.

Dù vậy, sự kiên nhẫn đang suy giảm. Khảo sát của Viện Seoul cho thấy 86% cư dân xem loài bọ này là gây hại, chỉ đứng sau gián và rệp.

Chính quyền Hàn Quốc đang phát triển loại thuốc trừ sâu sinh học từ nấm để tiêu diệt ấu trùng mà vẫn bảo vệ hệ sinh thái. Một số loài chim như chim sẻ và chim ác là đã bắt đầu ăn bọ, góp phần giảm số lượng ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Loài bọ này thường biến mất vào giữa tháng 7 vì vòng đời trưởng thành ngắn, chỉ hoạt động mạnh khoảng hai tuần.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ đô Seoul đối mặt với cuộc xâm lấn của 'bọ tình yêu'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO