Thu ngân sách năm 2019 vượt dự toán, nhưng thu từ nội lực nền kinh tế tăng thấp

Thứ hai, 21/10/2019 18:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn khi thu nội địa chỉ tăng 1,9%; nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán; một số địa phương là trọng điểm thu ngân sách nhà nước lại có tiến độ thu chậm…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2019. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2019. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3% so với dự toán); tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23,7% GDP. Đây là kết quả đáng ghi nhận, là năm thứ tư liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương cũng là năm thứ hai vượt dự toán.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng thẳng thẳng chỉ rõ, mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu ngân sách nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao. Một số địa phương là trọng điểm thu ngân sách nhà nước lại có tiến độ thu chậm, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21% GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu ngân sách nhà nước ngày càng vững chắc hơn.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần lưu ý về dự báo giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước.

Về thực hiện chi ngân sách nhà nước cả năm tăng 2,1% so với dự toán (thấp hơn năm 2018 là 2,6%), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Về chi đầu tư phát triển năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thấy nổi lên một số vấn đề như tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật ngân sách nhà nước, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương…

Về bội chi và cân đối ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao kết quả điều hành ngân sách nhà nước theo hướng siết chặt bội chi, mức bội chi không cao hơn so với dự toán. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 bằng 3,4% GDP ước thực hiện (thấp hơn dự toán: 3,6% GDP); đồng thời, về tổng thể đã giảm bội chi ngân sách địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong kiểm soát và điều hành ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Theo báo cáo của Chính phủ, so với GDP ước thực hiện thì các chỉ tiêu về nợ công (56,1% GDP), nợ chính phủ (49,2% GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia (45,8% GDP) đều giảm so với dự toán. Điều này cho thấy, cân đối ngân sách nhà nước đang có những tín hiệu tích cực, ổn định hơn, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn an toàn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ tổng dự toán thu ngân sách nhà nước; cũng như đồng ý với nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 và dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tăng 113,8 nghìn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019.

Để Quốc hội có đủ cơ sở xem xét, quyết định về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước; những vấn đề nổi lên trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019; bội chi và giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu - chi và mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2020; giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020...

Thế Vũ

Tin khác

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

Đề nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai

(CLO) Ông Hồ Văn Điềm - nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai bị đề nghị kỷ luật vì đã thiếu kiểm tra, không phát hiện việc nữ kế toán của cơ quan chiếm dụng khoảng 3,5 tỉ đồng từ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Tin tức
Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ủy quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện giải quyết 13 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tin tức
Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

Tỉnh Hà Nam và Nam Ninh (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực

(CLO) Bí thư Thành ủy Nam Ninh mong muốn thời gian tới, thành phố Nam Ninh và tỉnh Hà Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, logistics; giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, du lịch

Tin tức
Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức