Thu nhập "3 tại chỗ" tăng 2,2 lần nhưng ít người lao động trụ được lâu

Chủ nhật, 08/08/2021 12:49 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo tiết lộ của Chủ tịch Tập đoàn Dệt may, thu nhập của người lao động "3 tại chỗ" đã tăng 2,2 lần, từ 8,5 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khoảng 3 - 4 tuần ít ai trụ được.

Xác định cuộc chiến kinh tế - y tế là trường kỳ

Hiện nay, đại dịch Covid-19 ngày một phức tạp với hàng loạt biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh và mạnh. Điều này đã khiến nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Thế nhưng, việc giãn cách xã hội, cách ly tỉnh với tỉnh, huyện với huyện đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có, khiến cho cả nền kinh tế phải bỡ ngỡ, vừa phải đối phó chống dịch, vừa phải tìm cách tháo gỡ những rào cản của giãn cách xã hội.

Chủ tịch VCCI xác định cuộc chiến kinh tế - y tế là trường kỳ.

Chủ tịch VCCI xác định cuộc chiến kinh tế - y tế là trường kỳ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Trước yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã đóng các cửa ngõ, hạn chế đi lại, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành công nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, thì cả doanh nghiệp và người dân sẽ càng khó khăn.

Theo ông Lộc, để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Chính phủ đã đưa ra giải pháp doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”. Thế nhưng, giải pháp này chỉ có tính tức thời, ngắn hạn và phù hợp với doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” kéo dài, cả doanh nghiệp và người lao động đều khó lòng cầm cự được.

“Giải pháp “3 tại chỗ” có 2 mặt trái. Thứ nhất là người lao động không chịu được, khi không được về nhà trong thời gian dài, tạo ra áp lực tâm lý rất lớn. Thứ hai là doanh nghiệp cũng phải gồng gánh các khoản chi khổng lồ, điều này cũng không ổn”, Chủ tịch VCCI nói.

Bên cạnh giải pháp “3 tại chỗ”, Chính phủ còn có thêm giải pháp tăng cường tiêm chủng, để đạt miễn dịch xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lộc, giải pháp này được coi là phương án “cứu cánh” cho nền kinh tế nhưng với tốc độ hiện nay, sẽ phải mất rất nhiều tháng nữa mới đạt được tỷ lệ trên 70% dân số được tiêm chủng.

Không những vậy, hiện nay, thế giới ngày càng có nhiều các biến thể mới, có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Trong tình huống xấu nhất, thế giới sẽ lại phải một lần nữa nghiên cứu vắc-xin ngừa biến thể mới. 

“Ngay cả các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel, Anh hay Pháp có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã từng mở cửa trở lại nhưng giờ cũng phải đóng lại, do lo ngại biến thể mới lây lan”, ông Lộc cho hay.

Trước tình hình hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc xác định đây là cuộc chiến trường kỳ cho cả 2 ngành kinh tế và y tế.

“Ở thời điểm này, không có ai đưa ra một kịch bản phát triển kinh tế nào lạc quan cả. Như vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp phải chuyển trạng thái. Các giải pháp ngắn hạn nêu trên không thể tồn tại được”, ông Lộc thắng thắn bày tỏ.

Trước đó, Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự phối hợp của Chính phủ, với các doanh nghiệp. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Chính phủ và doanh nghiệp cần có những giải pháp mới sáng tạo, để thích ứng.

“Tôi mong muốn Nhà nước, Chính phủ trao nhiều hơn quyền tự chủ phòng chống dịch bệnh cho doanh nghiệp, để họ tìm ra các phương án hiệu quả vừa chống dịch vừa tăng cường sản xuất kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Áp lực tài chính khi thực hiện giải pháp 3 tại chỗ

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá: Các giải pháp “3 tại chỗ”, hoặc mới đây nhất là giải pháp “1 cung đường, 2 điểm đến”, tức là một điểm đến nhà máy, một điểm đến là nơi ở không thể áp dụng lâu dài.

Thu nhập của người lao động

Thu nhập của người lao động "3 tại chỗ" đã tăng 2,2 lần, từ 8,5 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khoảng 3 - 4 tuần ít ai trụ được.

Theo ông Trường, các doanh nghiệp đang áp dụng 2 giải pháp này đang chịu áp lực rất lớn về tài chính. Riêng trong Tập đoàn Dệt may, khi áp dụng giải pháp “3 tại chỗ”, chi phí đã bị độn thêm 2,2 lần.

Trong đó, lương của người lao động vẫn được giữ như cũ, cộng thêm trợ cấp 200.000 đồng/ngày lương, tương đương 70% lương, đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác. 

“Mỗi người lao động ở lại, chúng tôi phải trả ít nhất 20 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân của người lao động trong ngành dệt may 6 tháng đầu năm là 8,5 triệu đồng. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn đối với mọi doanh nghiệp”, ông Trường nói.

Dù mức thu nhập cao, thế nhưng, khó có người lao động nào chịu ở “3 tại chỗ” trong thời gian dài.

Cũng theo ông Trường, hiện nay, bài toán vừa chống dịch, vừa tăng cường sản xuất kinh doanh của Việt Nam rất giống tại Ấn Độ và Bangladesh hồi đầu năm 2020. 

Ông Trường phân tích: Trong 6 tháng đầu năm, các ngành da giày, dệt may của Việt Nam tăng trưởng mạnh, do các nhà máy tại Ấn Độ và Bangladesh phải ngừng hoạt động. Điều này cho thấy, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự linh hoạt, khách hàng chuyển đổi rất nhanh, thay vì đặt hàng tại Ấn Độ, thì họ chuyển sang Việt Nam sản xuất. 

“Đây chính là xu hướng mới, vì chính khách hàng cũng không thể dự báo được bao giờ, dịch bệnh mới chấm dứt”, ông Trường nói.

Chính vì vậy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may xác định, đại dịch Covid-19 có tính lặp đi lặp lại, có tháng thuận lợi, có tháng không may có dịch bùng phát thì tăng trưởng chậm: “Tôi nghĩ đây là một trạng thái bình thường mới”, ông Trường nói.

Bàn về các giải pháp “sống chung với dịch bệnh”, ông Lê Tiến Trường cho rằng: Cho tới thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp này đã đề nghị người lao động sống thành các cụm dân cư, ở các khu vực khác nhau. Nếu khu vực này có các ca F0, thì các khu vực khác vẫn đi làm bình thường.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đặt mã số nhân viên, đặt công việc theo từng nhóm 20 người. Nếu một người dương tính, thì 20 người nghỉ. Dù vậy, ông Trường thừa nhận, không thể mãi áp dụng được giải pháp này, bởi sẽ tạo ra một gánh nặng rất lớn đối với các vấn đề an sinh xã hội.

Câu chuyện chống dịch máy móc tại Đồng Nai

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, hiện nay, các chính sách chống dịch tại các địa phương chưa có sự thống nhất, ngay trong nội bộ 1 tỉnh cũng có nhiều bất cập.

Giải pháp

Giải pháp "3 tại chỗ" chỉ tức thời.

Ví dụ tại Đồng Nai, các ca dương tính với Covid-19 có nhiều ở thành phố Biên Hòa, và huyện Vĩnh Cửu. Do đó, các địa phương này phải thực hiện giãn cách là điều đương nhiên.

Tại huyện Định Quán, chưa hề có ca F0 nhưng vẫn thực hiện cách ly toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại đây.

Đó là chưa kể, chính sách tiêm chủng của tỉnh Đồng Nai là ưu tiên tiêm vắc-xin cho các vùng có dịch. Do đó, người lao động, các doanh nghiệp tại thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu sẽ được ưu tiên tiêm, trong khi huyện Định Quán do không có ca nhiễm nên không được ưu tiên.

“Huyện Định Quán phải cách ly toàn xã hội, dù không có ca nhiễm nhưng lại không được ưu tiên tiêm vắc-xin. Điều này cho thấy, chính sách của tỉnh chưa linh hoạt”, ông Trường nói.

Do đó, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may kiến nghị: Chính phủ cần có sự phân loại giữa các địa phương. Trong mỗi địa phương cũng cần phân loại các huyện, thậm chí các phải phân loại các xã với nhau. Nếu huyện này có ca nhiễm, thì giãn cách, ngược lại thì “cởi trói” cho doanh nghiệp hoạt động. 

“Nếu có sự phân loại này, số lượng doanh nghiệp được phép hoạt động sẽ tăng lên, người lao động sẽ không phải nghỉ việc nhiều, và Việt Nam sẽ tạm thời giải quyết được vấn đề an sinh xã hội”, ông Trường nói.

Việt Vũ

Tin khác

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

(CLO) Theo tài liệu trình họp Đại hội đồng cổ đông 2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Upcom: VBB) sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận. Theo đó, Vietbank dự kiến chia cổ tức 25%. Đây là một trong những mức chia cổ tức thuộc top đầu trong mùa Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng năm nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

(CLO) Các nhà sản xuất như BYD, Tesla và Li Auto đang giảm giá để di chuyển ô tô điện của họ. Đối với xe chạy bằng xăng, tình trạng dư thừa nhà máy còn tệ hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

(CLO) Tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê năm nay, MobiFone ‘bội thu’ với 5 giải thưởng cho các giải pháp mới thuộc nhiều lĩnh vực: dịch vụ, giải trí, viễn thông, quản trị - điều hành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

(CLO) Theo Oxford Economics, giá thực phẩm toàn cầu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024, mang lại sự nhẹ nhõm cho người mua sắm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

(CLO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày mai (25/4).

Thị trường - Doanh nghiệp