Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm rõ tình hình lũ lụt ở huyện Hương Khê
(CLO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cụ thể, đầy đủ về tình hình mưa lũ tại địa phương. Trong đó làm rõ tình hình lũ lụt ở huyện Hương Khê. Từ đó kiến nghị Trung ương có các giải pháp để khắc phục tình trạng lũ lụt ở huyện này.
Chiều 31/10, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và lãnh đạo Cục Thủy lợi đi kiểm tra tình hình mưa lũ và thực trạng hồ, đập thủy lợi tại Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, Thứ trưởng ghi nhận nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, công trình Thủy điện Ngàn Trươi-Cẩm Trang đã góp phần lớn tích nước, ngăn lũ cho vùng hạ du. Cùng đó, vùng hạ du công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ cũng đã có giải pháp để phòng, chống lũ lụt.
Tại buổi kiểm tra, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai; nhất là hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa, gia cố các công trình hồ, đập lớn bị hư hỏng, xuống cấp, các kè sông, kè biển...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác kiểm tra tại Hà Tĩnh (ảnh CTV).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cụ thể, đầy đủ về tình hình mưa lũ tại địa phương. Trong đó làm rõ tình hình lũ lụt ở huyện Hương Khê, do đây là địa phương rốn lũ, hầu như năm nào cũng xảy ra lũ lụt. Từ đó kiến nghị Trung ương có các giải pháp để khắc phục tình trạng lũ lụt ở Hương Khê. Báo cáo cần nhấn mạnh tác động của công trình hồ chứa thủy điện Hố Hô để có giải pháp phù hợp; kiến nghị thay đổi quy trình vận hành hồ chứa với mục tiêu bảo đảm an toàn hơn cho vùng hạ du.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Thời gian tới địa phương cũng cần tổ chức rà soát các công trình hồ, đập xung yếu và có giải pháp khắc phục. Trước mắt, khắc phục các công trình hạ tầng thủy lợi thiết yếu (trong đó có đập Tắt, xã Hòa Hải, Hương Khê) để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Việc sửa chữa, xây dựng hồ, đập phải được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong ngày hôm nay 31/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 150mm. Từ hôm nay đến sáng 2/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-200mm, có nơi trên 400mm.
Cũng theo Báo cáo nhanh của Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, từ chiều tối ngày 29-30/10 mưa lớn đã khiến 2 người chết do lũ cuốn trôi và 1 người mất tích do lũ cuốn trôi ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Nước ngập, dâng cao đến gần mái nhiều nhà ở Hà Tĩnh (ảnh CTV).
Có đến 860 hộ bị ngập nước và 95 hộ bị cô lập tại do đường vào bị ngập tại Hà Tĩnh; một số điểm dân cư của thôn Hà Môn và Mỹ Sơn (Quảng Bình). Có 5.547 hộ tại Hà Tĩnh bị ngập, sạt lở sân vườn.
Sạt lở 100m tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh làm ách tắc giao thông. Hiện tạm thời dùng xe khách vận chuyển hành khách qua đoạn sạt lở tiếp tục hành trình.
Tại Hà Tĩnh, 1 điểm thuộc Quốc lộ thuộc xã Phúc Trạch bị ngập, 4 tuyến đường và 11 cầu tràn thuộc huyện Hương Khê bị ngập; 1.453 m đường giao thông liên xã thuộc các huyện Vũ Quang, Đức Thọ bị sạt lở. Khu vực Đập Tắt (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) bị vỡ thân đập dài 15m, rộng 7m, sâu xuống 4m; gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa phía sau hạ du, không ảnh hưởng người và tài sản. Mưa lũ cũng đã khiến 22ha hoa màu bị ngập và 10 điểm trường bị ngập, sạt tường.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam bị sạt lở (ảnh CTV).
Còn tại Quảng Bình, khu vực đường thi công ngầm Khe Đèng (quốc lộ 15C Kim Hóa đi Tân Ấp) bị xói lở xe ô tô không qua được, 4 ngầm tràn và đường giao thông liên xã bị ngập từ 0,3-1,5m.
Hiện nay, lượng mưa tại Hà Tĩnh đã giảm, nước đang rút chậm; các địa phương đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.