Kinh tế

Thủ tục quá rườm rà, 74% doanh nghiệp đành 'bó tay' với đất đai

Việt Vũ 26/05/2025 14:54

(CLO) Thủ tục hiện rất là phức tạp, liên quan đến ít nhất 15 thủ tục, kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải đi chạy, quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan nhiều chính quyền các cấp khác nhau.

Tại một hội nghị mới đây liên quan tới phát triển kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, đó là quy trình thủ tục kéo dài, đặc biệt là những dự án có sử dụng đất.

Đậu Anh Tuấn
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: BTCSK)

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để một doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sử dụng đất thì phải từ quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai, cho thuê đất ….

“Thủ tục hiện rất là phức tạp, liên quan đến ít nhất 15 thủ tục rất, kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải đi chạy, quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan nhiều chính quyền các cấp khác nhau. Dù vậy, có rất nhiều thủ tục có thể cải cách và điều chỉnh ngay được”, ông Đậu Tuấn Anh nói.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đề cập tới vấn về, vì sao đã có quy hoạch chi tiết, đã đầu tư vào khu công nghiệp, thậm chí đã có đánh giá về tác động môi trường, nhưng tại sao mỗi dự án vào lại phải xử lý lại từ đầu, như vậy lãng phí về mặt thủ tục.

“Thậm chí, Thủ tướng từng đề cập nếu có tiêu chuẩn cụ thể rồi, nhà đầu tư có thể thực hiện trước và Chính phủ có thể giám sát và hậu kiểm”, ông Đậu Tuấn Anh nêu.

Một điểm thay đổi nổi bật là sửa 4 luật về đầu tư vừa thông qua vào tháng 1/2025. Trong đó, có thủ tục đầu tư đặc biệt, thực hiện theo quy trình hậu kiểm, nhà đầu tư chỉ cần có tổ chức tư vấn đầu tư được nhà nước xác nhận, và có thể triển khai và Nhà nước có thể giám sát chỉ mất thủ tục ngắn thôi.

Tuy nhiên, đại diện VCCI cho rằng đáng tiếc, mô hình đầu tư đặc biệt đang dần triển khai và chỉ áp dụng cho nhà đầu tư công nghệ cao. Do đó, ông mong muốn mở rộng ra trong thời gian tới, có thể mở rộng những dự án khác, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp tư nhân. Có lẽ, điều này sẽ tạo ra cú hích quan trọng đối với kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Trong nghiên cứu của VCCI hằng năm khi tiến hành điều tra 14.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành, có hỏi doanh nghiệp năm vừa qua có thực hiện các quy trình đầu tư đất đai hay không?

Đây là nhóm thủ tục được các doanh nghiệp phản ánh là khó, đặc biệt về thủ tục đất đai, 74% doanh nghiệp cho rằng họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kinh tế tư nhân do gặp khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, 67% doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết dài hơn so với quy định.

Một trong những yêu cầu cấp thiết từ cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là cải cách quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý theo hướng thông minh, linh hoạt hơn.

Hiện nay, dù đã có Luật Đất đai mới, Luật Xây dựng, cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan được ban hành, song trong thực tiễn triển khai tại địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc. Không ít quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, khiến doanh nghiệp lúng túng, mất nhiều thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện.

Thời gian tới, bên cạnh tinh thần cải cách rất đột phá được thể hiện trong Nghị quyết 68, điều quan trọng là quốc hội và chính phủ cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và đột phá hơn nữa, đặc biệt trong việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cải cách thủ tục đầu tư, để dòng vốn tư nhân có thể nhanh chóng chảy vào nền kinh tế.

Không chỉ dừng lại ở việc rà soát, chỉnh sửa các quy định hiện hành, ông Tuấn nhấn mạnh cần có tư duy tiếp cận mới trong làm luật.

“Thậm chí, chúng ta có thể bãi bỏ một số luật không còn phù hợp, đồng thời cải tiến mạnh mẽ các bộ luật còn lại, để xây dựng một hệ thống pháp luật tinh gọn, minh bạch và hiệu quả hơn,” ông đề xuất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ tục quá rườm rà, 74% doanh nghiệp đành 'bó tay' với đất đai
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO