Thủ tướng: Câu nói 'Hà Nội không vội được đâu' nay đã lạc hậu, đã cũ
(CLO) Thủ tướng cho rằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu, đã cũ, ngày nay Hà Nội đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Như congluan.vn đã đưa tin, sáng 27/6, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, đưa đất nước “trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư”. Các doanh nghiệp châu Âu đã và đang tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với Hà Nội, hy vọng thành phố Thủ đô của Việt Nam tiếp tục có nhiều bước tiến mới trong cải cách hành chính, cung cấp thông tin trực tuyến cho các nhà đầu tư để họ có thể đưa ra quyết định của mình.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ niềm vui với Hà Nội về thành công của Hội nghị với với 229 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư đến 405.000 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Hội nghị còn có ý nghĩa đặc biệt khi đất nước kiểm soát được dịch COVID-19 trong cộng đồng và chuyển sang trạng thái bình thường mới, hướng tới thực hiện "mục tiêu kép".
Hội nghị đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm chân thành hợp tác được đề cao, theo đó hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước trong một tầm nhìn dài hạn. Theo Thủ tướng, đây là thông điệp quan trọng về thu hút đầu tư của Việt Nam.
Cho rằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu, đã cũ, theo Thủ tướng, Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta và như tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây tròn 1.010 năm.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu "ganh đua" với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Băng Cốc, Jarkarta, Thượng Hải, Manila...
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Thủ tướng chỉ rõ, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.
Theo Thủ tướng, Hà Nội cần có chất lượng thể chế tốt, tranh thủ các cơ chế đặc thù hiện có; đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Hà Nội cũng cần tận dụng thời cơ, chủ động hơn nữa, tìm những mô hình phát triển mới, xâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam và Vùng Thủ đô. Do đó, cần liên kết, hợp tác với các địa phương, coi các địa phương là đối tác để cùng phát triển bởi mỗi địa phương trong Vùng Thủ đô đều có lợi thế so sánh riêng để kết hợp nguồn lực, cùng phát triển. Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần làm tốt công tác quy hoạch không gian kinh tế sao cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong Vùng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cổ đông chiến lược, các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi; đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học công nghệ, hội tụ nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nội cũng cần kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh; hiệu lực, hiệu quả về thể chế; hun đúc bản sắc về 1 Thủ đô đáng sống, một Hà Nội xanh, sạch, đẹp...
Thế Vũ