Thủ tướng chỉ ra 3 hướng đi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng

Chủ nhật, 25/11/2018 16:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Như tin đã đưa, sáng 25/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 với chủ đề “Cao Bằng- cơ hội đầu tư, phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu về tiềm năng phát triển của Cao Bằng để các nhà đầu tư thấy rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

Theo Thủ tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin chính trị vào nơi đây, khởi đầu cho sự nghiệp kháng chiến hào hùng và cách mạng đã thành công. Ngày nay chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế của Cao Bằng để khai thác một thị trường lớn liền kề là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) quy mô GDP trên 350 tỷ USD, đang có tốc độ tăng trưởng rất cao và khả năng kết nối với các tỉnh, thành trong nước, khối ASEAN, với thuận lợi là 333 km đường biên giới, với 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu quốc gia.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.

Về du lịch, cần trở thành ngành mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng, như du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái, địa hình được khai thác dựa trên yếu tố bền vững, độc đáo riêng có của Cao Bằng. Trong đó, cần phát huy mạnh mẽ Cao nguyên địa chất Non Nước vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; hơn 215 di tích được xếp hạng; Thác Bản Giốc, 1 trong 4 thác vùng biên giới đẹp nhất thế giới.

Trong phát triển du lịch, Cao Bằng và các nhà đầu tư cần trả lời được một số câu hỏi: Làm sao để du khách đến đông hơn? Làm sao để du khách ở lâu hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch? Làm sao để du khách mong muốn quay trở lại Cao Bằng sớm nhất có thể? Làm sao để người dân, nhất là đồng bào dân tộc, được hưởng lợi từ du lịch, nhất là từ nét văn hóa độc đáo của các dân tộc?, Thủ tướng gợi ý.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Cao Bằng cần phát triển nông lâm nghiệp nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao bởi tỉnh có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp Cao Bằng cần dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành; xây dựng và nâng cấp thương hiệu là phương cách hữu hiệu để nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh một ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu, có thị trường lớn, là trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng.

Về phát triển kinh tế cửa khẩu, Thủ tướng nếu rõ, kinh tế cửa khẩu có vai trò chiến lược trong phát triển sản xuất, thương mại, kết nối với thị trường Trung Quốc rộng lớn và tiềm năng. Hàng hóa từ Cao Bằng đi Nam Ninh (thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc) chỉ có 180 km, bằng 1/2 quãng đường về Hà Nội vì vậy, Cao Bằng phải tận dụng tốt điều này.

Thủ tướng cũng đề nghị Cao Bằng chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng nhất là giao thông và hạ tầng mềm là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó, con người vẫn là trung tâm, là chìa khóa phát triển. Thủ tướng lưu ý đầu tư cho nguồn vốn con người, nhất là đào tạo lao động có kỹ năng chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng tâm mà Cao Bằng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền Cao Bằng cần đưa thông điệp đến các nhà đầu tư: “Điều kiện chúng tôi khó gấp đôi, chúng tôi sẽ cố gắng gấp ba”. Tập trung xóa bỏ “ranh giới mềm” trong bối cảnh “điều kiện cứng” còn khó khăn. Ví dụ phải đưa Chỉ số PCI vào nhóm trung bình, khá để có thể “hội nhập” và hòa mình hiệu quả vào dòng chảy năng động và phát triển của cả Vùng động lực tăng trưởng kinh tế phía Bắc.

"Cao Bằng cần tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng và minh bạch, tối đa hóa giá trị khai thác và lợi ích kinh tế cho địa phương" -Thủ tướng cho biết.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cho rằng chi phí cao, đi lại mất thời gian, vất vả chắc chắn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, chính quyền các cấp của tỉnh cần cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp khi đầu tư vào Cao Bằng, chứ không nên xem đó là việc của doanh nghiệp. “Từ lãnh đạo cho đến các sở ngành, các huyện, xã phải xóa bỏ tâm lý tiêu cực khi nghĩ rằng định mệnh Cao Bằng nằm ở vị trí quá bất lợi không thể phát triển. Chính tâm lý đó mới là lực cản thực sự đối với phát triển”.

Yêu cầu phát huy các sáng kiến mô hình giáo dục tập trung, Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng đang có cơ hội tiên phong “thử nghiệm” các mô hình cải cách mới. Thủ tướng cam kết ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để Cao Bằng nói riêng, các địa phương miền núi nói chung “thử nghiệm” các thể chế mới, các mô hình, sáng kiến mới nhằm tạo ra các đột phá về phát triển và cung cấp phúc lợi cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc anh em.

Với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đồng hành và hỗ trợ, Chính phủ, các bộ, ngành cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mực để Cao Bằng kiến tạo thành công các nền móng hạ tầng bền vững, một môi trường kinh doanh cạnh tranh và hấp dẫn nhất dành cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Cao Bằng.

Gửi gắm thông điệp với nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, Cao Bằng là nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng bào còn đang rất nghèo. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương và chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân.

PV

Tin khác

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Tin tức
Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

(CLO) Về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25/4/2024.

Tin tức