Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 quy tụ gần 1.200 nghệ nhân của 4 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; 19 đoàn cồng chiêng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai cùng đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 . Ảnh: VGP
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, lễ hội là sự tôn vinh các giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại.
Thủ tướng cho biết, vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. “Chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống”, Thủ tướng nói.
Nếu như mọi thực thể sống đều cần tới một hệ sinh thái nhất định, thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. Cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên…
Trong không khí lễ hội, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
Thủ tướng tin tưởng, du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên.
* Nhân dịp Thủ tướng đến Gia Lai dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, chiều 30/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Gia Lai, địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, ghi nhận những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, Thủ tướng lưu ý, tốc độ phát triển của tỉnh còn dưới tiềm năng. Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn ít. Tỉ lệ hộ nghèo của Gia Lai giảm nhanh nhưng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 86,5%, trong đó có làng nghèo 100%.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Gia Lai. Ảnh: VGP
Về định hướng thời gian tới, nhắc lại tầm nhìn đối với Tây Nguyên là phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa; chìa khóa cho sự vươn lên của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông - lâm sản, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới, Thủ tướng cho rằng việc đưa tầm nhìn này vào triển khai trong thực tiễn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện khoa học, quyết liệt. Do đó, cán bộ phải giỏi, phải biết làm việc.
Trên tinh thần đó, Gia Lai cần tập trung 3 hướng chính: Kinh tế nông lâm sản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương. Đi liền với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh này. Cần chú ý nông nghiệp hữu cơ cùng với cây công nghiệp là thế mạnh đặc thù của Gia Lai.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất. Hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Trong phát triển, cần giải quyết đồng thời 4 bài toán: Kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa. Gia Lai cần đóng góp tích cực hơn nữa để phát triển thương hiệu du lịch cao nguyên của Việt Nam, đặc biệt là phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Nhấn mạnh dân trí quyết định sự phát triển của Gia Lai, Thủ tướng yêu cầu tỉnh có văn bản cụ thể để Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết dứt điểm vấn đề biên chế giáo viên trên tinh thần tổ chức sắp xếp lại và không để thiếu giáo viên đứng lớp cho các em học sinh.
Thủ tướng thăm hỏi bà Lê Thị Hiến, 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng tại TP. Pleiku. Ảnh: VGP
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến trước các kiến nghị cụ thể của Gia Lai với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý, quyết ngay một khoản hỗ trợ trích từ dự phòng ngân sách dành cho 1 làng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của Gia Lai mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu ra tại cuộc làm việc để bà con ổn định đời sống.
Trước đó, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Trọng Đông, 60 tuổi, thương binh 81% và bà Lê Thị Hiến, 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng tại TP. Pleiku.
Thế Vũ