Thủ tướng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp Anh quốc về phát triển tài chính, chuyển đổi số
(CLO) Sáng 28/6 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Cùng dự Tọa đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Anh tại Việt Nam Ian Grant Frew và đại diện 25 doanh nghiệp Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Mở ra những cơ hội mới và thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương
Phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Grant Frew nhấn mạnh, cuộc đối thoại hôm nay là cơ hội quý báu để cùng lắng nghe những chia sẻ trực tiếp từ các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, phát triển bền vững, chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng.
"Chúng tôi kỳ vọng chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những phương thức hợp tác hiệu quả hơn nhằm mở ra những cơ hội mới và thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương trong những lĩnh vực mang tính chất huyết mạch này", ông Iain Grant Frew nói.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Grant Frew cũng chia sẻ về cam kết của Vương quốc Anh và khối doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam có hiện thực hóa những khát vọng và hoài bão tăng trưởng hai con số, xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tự cường để đạt được vị thế quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Các ưu tiên gồm, thứ nhất là về chuyển đổi số, các doanh nghiệp Anh có chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ, từ công nghệ tài chính FinTech cho đến an ninh mạng.

Thứ hai là về chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp Anh mong muốn được chung tay đóng góp vào quá trình chuyển đổi để chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Thứ ba là về khoa học và công nghệ.
Thứ tư là về tài chính. "Từ cuối năm 2022, chính phủ Anh đã tài trợ một dự án nhằm hỗ trợ hoài bão của Việt Nam trong việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hôm qua Quốc hội đã thông qua vấn đề này. Anh quốc và các doanh nghiệp của Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sáng kiến này", ông Iain Grant Frew cho biết.
Đảm bảo Trung tâm Tài chính Quốc tế có tính bao trùm
Phát biểu về những sáng kiến liên quan đến việc thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế, ông Warrick A. Cleine MBE, Chủ tịch BCAC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của KPMG Việt Nam và Campuchia đề xuất những khuyến nghị như sau: Trước hết sẽ tiếp tục xây dựng, vận dụng và chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về khía cạnh pháp lý và sau đó áp dụng những tiêu chuẩn về báo cáo tài chính quốc tế, trong đó có IS A Rét và quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai, KPMG Việt Nam và Campuchia rất mong muốn có sự tham gia và quý vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các định chế tài chính hiện hữu cũng tham gia. Bên cạnh việc thu hút những nhân tố mới, Trung tâm Tài chính Quốc tế cần tận dụng nền tảng vững chắc của các định chế tài chính Việt Nam và các doanh nghiệp Anh quốc hoạt động tại đây.
"Trung tâm Tài chính Quốc tế chính là cơ hội để các doanh nghiệp Anh quốc cải thiện, phát huy vai trò người tiên phong và đổi mới thị trường", ông Warrick A. Cleine MBE nói.
Thứ ba là phải đảm bảo Trung tâm Tài chính Quốc tế có tính bao trùm. Ông Warrick A. Cleine MBE hoan nghênh các chủ trương lớn ở Việt Nam như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, Nghị quyết 59 và 68 để phát triển kinh tế thế nhân, trung tâm quốc tế sẽ cung cấp những cơ chế quan trọng để đẩy nhanh và hiện thực hóa các chính sách này và để Trung tâm Tài chính Quốc tế phát huy được thì các chính sách ưu đãi cũng cần được mở rộng cho cả hệ sinh thái.
Thứ tư là cần nhân rộng các cải cách ra toàn bộ nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ông Warrick A. Cleine MBE kiến nghị Chính phủ cho rà soát các cải cách được đề xuất về Trung tâm Tài chính Quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực phê duyệt giấy phép lao động, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường tài chính.