Thủ tướng: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án quan trọng của quốc gia

Thứ sáu, 21/05/2021 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân.

Chiều ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, cơ quan, đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua.

Tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn là 11.100 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao, năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, hơn 97,46%.

Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn giai đoạn trước.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xây dựng khoa học, bài bản, rõ ràng, dễ theo dõi.

"Những kết quả đạt được của đầu tư công trong 5 năm qua có được nhờ nỗ lực chung của nhiều cơ quan, của cả nước, trong đó có vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ có rất nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm “xin-cho”, giảm tiêu cực", Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, đồng thời xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, chỉ đạo công tác đầu tư công trung hạn. Cùng với đó, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ.

“Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ “xin-cho” và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân".

Trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro với quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác.

"Thực tế cũng cho thấy, trước khi giải phóng mặt bằng, các dự án rất khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng sau khi có mặt bằng sạch, dự án sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư", Thủ tướng phát biểu.

Quốc Trần

Tin khác

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Tin tức
Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

(CLO) Về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25/4/2024.

Tin tức