Tiêu điểm Quốc tế

Thủ tướng Friedrich Merz và nhiệm vụ hàn gắn rạn nứt trên chính trường Đức

Hùng Anh 09/05/2025 09:53

(CLO) Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng CDU bảo thủ, được bầu làm Thủ tướng Đức sau vòng bỏ phiếu thứ hai tại Quốc hội Đức (Bundestag), đánh dấu một tiền lệ hiếm hoi và gây chấn động trong lịch sử chính trị hiện đại của Đức.

Sự kiện này không chỉ phản ánh bước tiến cá nhân của một chính trị gia, mà còn cho thấy những rạn nứt trong hệ thống chính trị và sự suy giảm niềm tin vào các liên minh cầm quyền truyền thống.

Thất bại ở vòng bầu đầu tiên - Sự rạn nứt trên chính trường Đức

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên bầu Friedrich Merz làm Thủ tướng thứ 10 của Cộng hòa Liên bang Đức - vốn được kỳ vọng chỉ là thủ tục hình thức - đã bất ngờ thất bại, phơi bày những vết nứt sâu trong liên minh cầm quyền và cả trong nội bộ hai đảng lớn: CDU/CSU và SPD. Dù liên minh mới thành lập nắm giữ 328/630 ghế tại Quốc hội (Bundestag) - thừa số phiếu cần thiết (316) để đưa ông Friedrich Merz lên vị trí lãnh đạo chính phủ - nhưng thực tế đã đi ngược với kỳ vọng.

Ngay từ đầu, mọi dấu hiệu cho thấy việc bầu Friedrich Merz là điều chắc chắn. CDU/CSU và SPD đã chính thức ký kết thỏa thuận liên minh, đồng thuận về định hướng chính sách và cam kết cùng bỏ phiếu ủng hộ ứng viên duy nhất của họ. Tuy nhiên, khi cuộc bỏ phiếu kín được tiến hành, kết quả lại không như mong đợi: có ít nhất 18 nghị sĩ trong liên minh đã từ chối bỏ phiếu cho Merz - khiến ông không đạt đủ số phiếu cần thiết ở vòng đầu tiên.

Việc những “phiếu phản bội” đến từ chính các thành viên của liên minh cầm quyền - được cho là đã đồng thuận từ trước - phản ánh rõ ràng một cuộc khủng hoảng lòng tin. Danh tính các nghị sĩ này chưa được tiết lộ, nhưng hành động của họ cho thấy một thông điệp mạnh mẽ: không phải tất cả đều tin tưởng Friedrich Merz, bất chấp thỏa thuận chính trị.

Nguyên nhân nào khiến Friedrich Merz lỡ nhịp thủ tướng

Thất bại của Friedrich Merz trong vòng bỏ phiếu đầu tiên để trở thành Thủ tướng Đức không chỉ đơn thuần là một sự cố bất ngờ về mặt kỹ thuật hay chiến thuật trong nghị trường. Đằng sau đó là hàng loạt dấu hiệu cho thấy sự bất mãn âm ỉ trong chính nội bộ đảng của ông - Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - và sự hoài nghi về phong cách lãnh đạo của Merz.

Trong khi Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) gần như không có động cơ để “gây rối” liên minh - nhất là sau thất bại bầu cử khiến họ mất hơn một phần ba số ghế - thì nghi ngờ chủ yếu đổ dồn về phía CDU/CSU. Những lá phiếu phản đối xuất phát từ chính đội ngũ mà Friedrich Merz lãnh đạo không chỉ là một hành động “phản ứng” mang tính cá nhân, mà là hệ quả của những mâu thuẫn sâu sắc chưa được hóa giải.

814-202505081118031.jpg
Quốc hội Đức. Ảnh: Izvestia

Ông Merz, nổi tiếng với lập trường cứng rắn và khuynh hướng bảo thủ kinh điển, từng là biểu tượng cho một làn gió mới chống lại chính sách trung dung thời Merkel. Tuy nhiên, kể từ khi nắm quyền lãnh đạo CDU, ông lại không hoàn toàn giữ vững nguyên tắc. Việc ông Merz bắt đầu mềm mỏng hơn trong một số vấn đề, như tăng chi tiêu công (tức tăng nợ quốc gia) hay không dứt khoát trong việc bài trừ hợp tác với AfD - một đảng cực hữu vốn bị xem là “ngoài vùng đỏ” - đã khiến một bộ phận trong đảng cảm thấy bị phản bội.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, kết quả vòng một không nhất thiết phản ánh một cuộc nổi loạn có tổ chức. Trong tổng số phiếu phản đối, có 5 phiếu được cho là “chống”, 3 phiếu trắng, 1 phiếu không hợp lệ và 9 người không tham gia bỏ phiếu. Điều này có thể do tính toán sai lầm - những người tin rằng việc mình vắng mặt hay không ủng hộ sẽ không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp “ngẫu nhiên” như vậy, đây vẫn là một đòn giáng mạnh vào tính kỷ luật của đảng và sự kiểm soát của Friedrich Merz.

Chiến thắng mong manh và tín hiệu cảnh báo từ Bundestag

Cuối cùng, ông Merz cũng đã bước chân vào Phủ Thủ tướng - nhưng không phải bằng một cuộc khải hoàn vang dội, mà qua cánh cửa hẹp, sau một cú trượt chân chính trị hiếm hoi trong lịch sử nền cộng hòa liên bang.

Việc ông giành được chiến thắng ở vòng bỏ phiếu thứ hai, dù đủ để hợp pháp hóa quyền lực, lại phơi bày một liên minh cầm quyền còn lỏng lẻo và một nhà lãnh đạo chưa thực sự chinh phục được toàn bộ hàng ngũ của chính mình.

814-202505081118032.jpg
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Izvestia

Kết quả: Merz giành được 325 phiếu thuận, vừa đủ để vượt ngưỡng 316 cần thiết. Một phiếu trắng, ba phiếu hỏng và 289 phiếu chống - chủ yếu từ phe đối lập - là phần còn lại của bức tranh. Những con số tưởng như khô khan ấy lại nói lên rất nhiều điều: ông đã thành công, nhưng không phải bằng sự tin tưởng tuyệt đối, mà bằng việc kiểm soát thiểu số bất mãn trong phút chót.

Trước vòng hai, giới quan sát chính trị đã đặt nghi vấn về khả năng một số nghị sĩ ôn hòa từ Đảng Xanh hoặc thậm chí Die Linke có thể bỏ phiếu cho Merz như một cách tránh khủng hoảng thể chế. Song, điều đó không xảy ra. Các lãnh đạo đảng đối lập đã sớm phủ nhận và giữ vững lập trường phản đối.

Điều này càng củng cố một thực tế: chiến thắng của Friedrich Merz là sản phẩm thuần túy từ liên minh cầm quyền, không có “phao cứu sinh” nào từ bên ngoài. Điều đó có thể được xem là thành công về mặt kỷ luật đảng, nhưng đồng thời cũng là lời cảnh báo rõ ràng - liên minh này sẽ không thể trông chờ vào sự nhân nhượng nếu rơi vào khủng hoảng chính sách trong tương lai.

Ông Merz là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Đức hiện đại không được quốc hội chấp thuận ở vòng bỏ phiếu đầu tiên - điều này, trong nền văn hóa chính trị đề cao sự ổn định và tính kỷ luật như ở Đức, là dấu hiệu của sự nghi ngờ nội tại.

Câu hỏi đặt ra không còn là “Liên minh có đủ số phiếu không?”, mà là “Liệu Friedrich Merz có thể lãnh đạo mà không bị chính các đồng minh kìm hãm?”. Với một Bundestag đang phân mảnh và áp lực từ các đảng cánh hữu, cánh tả, cùng những hồ nghi trong nội bộ CDU về đường lối “chuyển hướng mềm”, Friedrich Merz sẽ cần không chỉ bản lĩnh chính trị, mà còn kỹ năng dung hòa - điều mà ông vốn không nổi bật.

Những thách thức chờ đợi tân Thủ tướng Friedrich Merz

Sau đại dịch, Đức vẫn chưa thể phục hồi nền kinh tế như trước. Các lệnh trừng phạt đối với Nga và sự thất bại của chính sách năng lượng “xanh” đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái. Ngành công nghiệp suy giảm, thất nghiệp gia tăng, và bất ổn xã hội lan rộng. Trong bối cảnh này, người dân không còn đủ kiên nhẫn với các giải pháp kinh tế yếu kém của chính phủ, tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị cực hữu, như AfD, phát triển mạnh mẽ.

Các đảng lớn như CDU và SPD không còn đại diện đúng đắn cho lợi ích của người dân, đặc biệt trong những vấn đề thiết yếu như giá cả sinh hoạt và năng lượng. Chính trị gia Đức ngày càng chú trọng đến các vấn đề đối ngoại, bỏ qua những nhu cầu cấp bách trong nước. Điều này tạo ra sự vỡ mộng với các cử tri truyền thống và khiến họ quay sang tìm kiếm những lựa chọn mới, như AfD, đảng luôn khẳng định mình là tiếng nói của những người không được lắng nghe.

Kể từ khi Angela Merkel rời khỏi vị trí Thủ tướng, Đức chưa tìm được một lãnh đạo đủ mạnh để chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng. Friedrich Merz, dù trở thành Thủ tướng, lại phải đối mặt với một liên minh chia rẽ và thiếu đoàn kết. Các vấn đề nhạy cảm như nhập cư không được giải quyết hiệu quả, khiến chính phủ thêm phần mất lòng dân. Những mâu thuẫn nội bộ trong liên minh cầm quyền cho thấy sự yếu kém trong khả năng lãnh đạo, làm gia tăng sự bất ổn chính trị.

Từ những thách thức về kinh tế, xã hội đến chính trị, nhiệm kỳ của Friedrich Merz không chỉ là phép thử cho năng lực lãnh đạo cá nhân, mà còn là bài kiểm tra sức bền của nền dân chủ Đức trong giai đoạn biến động sâu sắc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ tướng Friedrich Merz và nhiệm vụ hàn gắn rạn nứt trên chính trường Đức
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO