Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề nghị giảm nhập khẩu than

22/01/2021 19:06

(CLO) Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin VTV phản ánh đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia.

Phát triển năng lượng phụ thuộc vào than đồng nghĩa với ô nhiễm, tàn phá khí hậu nhiều hơn. Ảnh minh họa

Phát triển năng lượng phụ thuộc vào than đồng nghĩa với ô nhiễm, tàn phá khí hậu nhiều hơn. Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 522/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia

Ngày 15/1/2021 Đài Truyền hình Việt Nam có đưa tin: Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam đề nghị giảm tối đa nhập khẩu than trong phát triển năng lượng quốc gia vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, dự thảo quy hoạch đưa ra tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng từ 49% năm 2020 lên 54% năm 2030 và 70% năm 2050 là không hợp lý vì nhập khẩu than có nhiều trở ngại và cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu xuất khẩu năng lượng trong tương lai.

Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình xây dựng và trình duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Trước đó, ngày 14/1, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, đơn vị này đã gửi thư kiến nghị đến Bộ Công Thương để góp ý cho Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, VSEA cho rằng, dự thảo quy hoạch vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn và đã đưa ra 8 đề xuất, bao gồm cần thay đổi tư duy lập quy hoạch theo hệ thống năng lượng hiện đại với 4 trụ cột: giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa; cập nhật lại dự báo nhu cầu, tính tới tác động của dịch Covid-19; giảm tối đa nhập khẩu năng lượng sơ cấp, đặc biệt là than, thay vào đó, khai thác tối đa tiềm năng nguồn năng lượng trong nước, bao gồm bổ sung 2 mỏ khí mới là Kèn Bầu và Khánh Hòa cũng như tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.

VSEA cũng đề xuất, bổ sung đánh giá tiềm năng lưu trữ năng lượng; định vị lại vị trí ngành than trong tương lai; cần có thị trường năng lượng đồng bộ với lộ trình cụ thể, bắt buộc, đi kèm phương án cụ thể cho giá năng lượng; đưa ra biện pháp huy động vốn cụ thể và cuối cùng là bổ sung đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của kịch bản được lựa chọn.

Trong thông tin gửi đến báo chí, VSEA dẫn lời chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, tư duy của lập Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 vẫn còn mang tính chất của ngành năng lượng truyền thống, tức chủ yếu vẫn là nhập khẩu than - đây là cách nhìn nhận không đúng với xu hướng của thế giới.

Chuyên gia Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương thì cho biết, tư duy làm quy hoạch vẫn còn dựa vào nguồn năng lượng truyền thống sẽ dẫn đến phải nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt là nhập khẩu than rất nhiều.

Còn bà Nguỵ Thị Khanh, Chủ tịch VSEA, cho rằng, đây là quy hoạch tổng thể của ngành năng lượng quốc gia cho tương lai, nên tư duy trong quy hoạch cần đột phá để theo kịp với mô hình năng lượng hiện đại: giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa.

Theo bà Khanh, quy hoạch cũng cần định vị lại vị trí của ngành than, bởi chọn tiếp tục phụ thuộc vào than đồng nghĩa với ô nhiễm, tàn phá khí hậu nhiều hơn.

Thế Vũ

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề nghị giảm nhập khẩu than
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO