Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến các dự án được ký cam kết đầu tư, trao giấy chứng nhận tại Hội nghị với quy mô lớn lên đến gần 6 tỉ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá rất cao nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có của Sóc Trăng, Thủ tướng gợi mở địa phương nên tập trung phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính. Một là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao. Thứ ba, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình ứng dụng nông nghiệp sạch, thông minh; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Sóc Trăng cần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “9 con rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo, cả tỉnh Sóc Trăng hiện mới có 2.800 doanh nghiệp, tỷ lệ là 530 người dân/doanh nghiệp, thấp hơn so với mức bình quân cả nước là 150 người dân có một doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng, cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, cần quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, nhất là khi hiện nay Sóc Trăng mới có khoảng chục doanh nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực.
"Tôi muốn có 100 doanh nghiệp đầu bảng tại đây để phát triển lên. Doanh nghiệp nào sẽ là doanh nghiệp thứ 11, 12 đến doanh nghiệp thứ 100 tại Sóc Trăng, cùng các tập đoàn trong nước và quốc tế? Đó là câu hỏi rất lớn đặt ra mà chúng ta phải phát động trong nhân dân cùng phát triển", Thủ tướng nêu rõ.
Điểm đến mới của nhà đầu tư
Ghi nhận tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đều chung cảm nhận về những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh tại Sóc Trăng trong vài năm trở lại đây.
Cho biết lý do chọn Sóc Trăng để xây dựng nhà máy, ông Kyi Hak Sung, Tập đoàn Youngone, Hàn Quốc, bày tỏ, “lãnh đạo tỉnh chân thành, có cách làm việc đổi mới, tinh thần ủng hộ dự án đầu tư của chúng tôi” mặc dù chi phí ban đầu để xây dựng nhà máy ở đây khá lớn.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC (thứ năm bên phải) nhận văn bản cam kết đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị
Còn theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Sóc Trăng đã đến tận trụ sở của Tập đoàn tại Hà Nội để mời gọi đầu tư.
"Có thể nói đây là một cách thức thu hút đầu tư rất đổi mới, cho thấy những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo ra môi trường tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm về đầu tư trên địa bàn.
Thông qua quá trình tiếp xúc, làm việc trực tiếp tại địa phương, chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng những cam kết nói trên không chỉ xuất phát từ các lãnh đạo cấp cao mà còn được cộng hưởng và thật sự chuyển động trong hệ thống chính quyền các cấp, với kỳ vọng tạo ra những đột phá về phát triển kinh tế-xã hội cho Sóc Trăng trong tương lai gần", bà Hương Trần Kiều Dung chia sẻ tại Hội nghị.
Đây chính là lý do Tập đoàn FLC đã quyết định nghiên cứu đầu tư ba dự án lớn tại Sóc Trăng, thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị sinh thái, vui chơi giải trí. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho ba dự án này ước đạt 4.500 tỷ đồng.
Hiện cả ba dự án nói trên đều được UBND tỉnh Sóc Trăng đồng ý về mặt chủ trương để Tập đoàn FLC nghiên cứu, thiết kế và lập quy hoạch chi tiết.
"Với kinh nghiệm triển khai chuỗi các dự án có quy mô lớn, đồng bộ, đẳng cấp trên khắp cả nước, chúng tôi tin rằng các dự án mới của Tập đoàn FLC đầu tư sẽ góp phần đưa Sóc Trăng trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp vào ngân sách của tỉnh, tạo thêm hàng ngàn công ăn việc làm và nâng cao năng suất lao động của địa phương", bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án với tổng mức vốn đầu tư 122.880 tỷ đồng. |
PV