Thủ tướng quyết định phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ năm, 29/03/2018 10:59 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định phương án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả nghiên cứu, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) thực hiện, Công ty này đã khảo sát, thu thập số liệu, đánh giá lại hiện trạng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để tìm ra các điểm hạn chế, các điểm tắc nghẽn trong từng hạng mục kết cấu hạ tầng của cảng hàng không.

Báo Công luận
 Một góc sân bay Tân Sơn Nhất

Trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Tư vấn trình bày 6 phương án mở rộng, gồm 2 phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 70 triệu hành khách/năm và 50 triệu hành khách/năm, 4 phương án mở rộng về cả phía Nam và phía Bắc, nâng tổng công suất lên 50 triệu hành khách/năm.

Dựa trên bộ tiêu chí đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, đơn vị tư vấn kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 70 triệu khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng rất lớn; tiến độ triển khai chậm (khoảng 7- 9 năm).

Tư vấn cũng kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng lớn, tiến độ triển khai chậm (khoảng 5- 7 năm). Ngoài ra, việc khai thác dây chuyền hàng không là không thuận lợi, làm giảm năng lực khai thác khu bay.

Trong nhóm các phương án mở rộng sân bay về cả phía Nam và phía Bắc, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng thêm một nhà ga hành khách của Sân bay Tân Sơn Nhất với tổng diện tích sàn lên đến 200 nghìn m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam, tức là phía nhà ga hiện hữu. Còn diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân Golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Theo ADP-I, phương án này sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu gồm hệ thống sân đường khu bay và nhà ga hành khách nhanh nhất có thể. Bởi việc xây dựng hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối phần lớn là đất hiện hữu của cảng, vì vậy có thể triển khai được ngay.

Việc xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm tại khu phía Nam có thể phân kỳ đầu tư xây dựng theo tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo đó, sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên phần đất Bộ Quốc phòng có thể bàn giao được ngay với diện tích khoảng 16,37ha, tổng thời gian xây dựng 2- 3 năm. Giai đoạn 2 sẽ triển khai mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay phía Nam, đồng thời mở rộng các công trình dịch vụ sang phía Bắc khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đơn vị tư vấn, với phương án này, chi phí xây dựng thấp hơn so với các phương án khác, thuận tiện cho quy trình quản lý điều hành bay, đảm bảo quy trình khai thác kết nối giữa các nhà ga và quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất cho các đơn vị. Khi triển khai phương án này, khu bay sẽ  được nâng cấp để đảm bảo có thể khai thác với tần suất 57 lượt cất hạ cánh/ giờ, tương đương 50 triệu hành khách/năm.

Về tiến độ triển khai và phân kỳ  đầu tư (chưa bao gồm thời gian GPMB), dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình khu bay gồm hoàn thiện lại đường cất hạ cánh 25L, xây mới hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn vòng; xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân đỗ tàu bay với thời gian thi công 2- 3 năm.

Giai đoạn 2 sẽ mở rộng nhà ga hành khách (công suất đạt 20 triệu hành khách/năm) và sân đỗ tàu bay phía Nam (106 vị trí đỗ). Mở rộng khu nhà ga hàng hóa, khu logistics và các công trình dịch vụ hàng không khác tại khu phía Bắc. Thời gian thi công 1- 2 năm khi giải phóng mặt bằng xong.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Công ty tư vấn ADP-I là hoàn toàn độc lập và tư vấn trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Phương án trình Thường trực Chính phủ là phương án tối ưu. Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định ủng hộ phương án này và Bộ sẽ bàn giao nốt 16 ha còn lại trong 36 ha đất đang quản lý để mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ý kiến các thành viên Thường trực Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ phương án chỉ nâng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên từ 45 đến 50 triệu hành khách/năm chứ không thể là 60- 70 triệu.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Giao thông vận tải đã chỉ  đạo quyết liệt việc thuê tư vấn độc lập để xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và người dân; đánh giá cao công ty tư vấn đã nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng, bài bản về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Đơn vị tư vấn đã xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó giúp Thủ tướng có cơ sở để lựa chọn một cách chính xác nhất.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng quyết định thực hiện việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPI. Thủ tướng nhấn mạnh phương án này đã bảo đảm hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty tư vấn ADP-I phối hợp với tư vấn trong nước để hoàn thiện phương án trên cơ sở đảm bảo sử dụng đất tốt nhất cả  ở phía Nam và phía Bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý với tinh thần nhanh chóng và quyết liệt nhất để có thể khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau khi mở rộng, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng với sân bay Long Thành, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025.

Thủ tướng cũng giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ động trong quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất để tránh xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn sau khi sân bay được mở rộng.

PV

Tin khác

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả, xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở đất tại Kỳ Liên (Hà Tĩnh)

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả, xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở đất tại Kỳ Liên (Hà Tĩnh)

(CLO) Ngày 7/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 45/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả, làm rõ nguyên nhân sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Người điều khiển xe điện 4 bánh phải có giấy phép lái xe

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Người điều khiển xe điện 4 bánh phải có giấy phép lái xe

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép đăng ký, cụ thể hóa phạm vi hoạt động của xe điện 4 bánh, thực hiện nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, người điều khiển phải có giấy phép lái xe theo quy định.

Tin tức
Ninh Bình: Thống nhất dự kiến nội dung kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XV

Ninh Bình: Thống nhất dự kiến nội dung kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XV

(CLO) Chiều 7/5, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất dự kiến nội dung kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XV. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất chủ trì hội nghị.

Tin tức
Ninh Bình là một trong 2 tỉnh đã hoàn thành bàn giao khoảng néo thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3

Ninh Bình là một trong 2 tỉnh đã hoàn thành bàn giao khoảng néo thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3

(CLO) Ngày 7/5, Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng họp trực tuyến giao ban định kỳ về các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Tin tức
Nam Định: 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, phát triển

Nam Định: 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, phát triển

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định, phát triển. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng khá.

Tin tức