Góc nhìn

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số: Cần tư duy mới, cách làm mới tạo đột phá mới!

Khánh An 11/07/2025 07:00

(NB&CL) Làm thế nào để tạo được “cú hích” đủ mạnh nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa đất nước bước vào một chương phát triển mới: thịnh vượng, bền vững và tự chủ hơn - trở thành một câu hỏi chiến lược mang tính sống còn. Đây không chỉ là một thách thức về kinh tế, mà còn là bài toán lớn về tầm nhìn, thể chế và năng lực hành động.

Đây là nội dung được các chuyên gia đặt ra và bàn thảo nhiều tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) để hiện thực hóa Khát vọng đưa Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số đã trở thành mục tiêu chiến lược giai đoạn 2026-2030.

Cần tìm động lực mới

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng, Diễn đàn là cơ hội để nhiều đối tượng có thể tham gia đóng góp ý kiến, từ doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và cả những người chịu trách nhiệm ở những cơ quan Trung ương nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn về phát triển kinh tế Việt Nam; đó là để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, chúng ta cần làm gì và làm thế nào?

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay nước ta đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút FDI. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước.

“Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt hơn, thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn với quyết tâm chính trị cao nhất cùng với sự đoàn kết, đồng lòng mạnh mẽ của toàn dân tộc, sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để hóa giải khó khăn, thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

hanoi.jpg

Trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa cấp Trung ương, địa phương trong các lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch…; ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để dẫn dắt, huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý…

Cùng với đó là tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng lưu ý cần hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo “sức mạnh tổng hợp” cho phát triển kinh tế đất nước; tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Mệnh lệnh cho khát vọng cháy bỏng

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XIV của Đảng được công bố tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào trung tuần tháng 4 cho thấy bức tranh như sau trong giai đoạn 5 năm tới: tốc độ tăng trưởng từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP. Để thực hiện các mục tiêu đó, cần minh định các vấn đề phát triển cốt lõi như: “xác lập mô hình tăng trưởng mới”; “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới”; “đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”; phát triển kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

du-bao-quy-mo-kinh-te-viet-nam-se-co-buoc-nhay-vot.jpeg

Trở thành quốc gia có thu nhập cao là ước mơ, là khát vọng của Việt Nam chúng ta và của tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít nền kinh tế đã chuyển đổi thành công từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao trong mấy thập kỷ qua. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2012 có tên là “Avoiding the Middle-Income Trap”, trong hơn 100 quốc gia được xem là có thu nhập trung bình vào thập niên 1960, chỉ có khoảng 13 nền kinh tế đã thực sự vươn lên nhóm thu nhập cao tính đến thập niên 2000–2010. Cũng trong giai đoạn đó, chỉ có 2 đến 3 nền kinh tế được coi là đã thực sự chuyển từ thu nhập thấp trực tiếp lên thu nhập cao mà không trải qua một giai đoạn dài ở mức thu nhập trung bình.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết thêm: Từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; hiện có 108 quốc gia đang ở mức thu nhập trung bình. Như vậy, các nguồn khác nhau cho thấy chỉ có vài chục quốc gia và nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình để tiến lên mức thu nhập cao trong vòng 80 năm qua.

Việt Nam đã trở thành “ngôi sao kinh tế toàn cầu” trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới ghi nhận, từ năm 1990 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,4% - nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc và Myanmar. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chưa bao giờ vượt lên hai con số và kéo dài trong vài năm kể từ Đổi mới đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ mức tăng bình quân 7,56% trong giai đoạn 1991-2000 xuống còn trung bình 7,26% trong giai đoạn 2001-2010 và 5,95% trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế trung bình ước tính cũng chỉ tương đương giai đoạn trước.

Việc đạt được mục tiêu của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh tăng trưởng năng suất. Báo cáo sắp tới của Ngân hàng Thế giới “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi” cho thấy, để đạt được mức thu nhập cao sẽ đòi hỏi tăng trưởng năng suất lao động ở mức 6,3% mỗi năm - cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5,0% trong thập kỷ qua.

Việt Nam cần chuyển từ ngành sản xuất sử dụng kỹ năng thấp, lao động nhiều, giá trị gia tăng trong nước hạn chế, sang ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo cao hơn. Khu vực tư nhân trong nước sẽ cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất để đạt được mục tiêu thu nhập cao đầy tham vọng.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Việt Nam cũng có rất ít công ty khởi nghiệp dựa trên tri thức hoặc đổi mới sáng tạo có khả năng vượt qua các công ty hiện tại và chuyển đổi các ngành công nghiệp. Năng suất của khu vực tư nhân trong nước chỉ bằng khoảng 1/5 mức năng suất của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới đánh giá mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là mục tiêu “rất tham vọng”. Để đạt được điều này, yêu cầu đặt ra phải tăng hơn gấp ba lần thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam trong vòng 20 năm tới.

Các giải pháp phải được thực thi thực chất

Bối cảnh toàn cầu đang có nhiều biến động với các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, chính sách các nước lớn thay đổi, vấn đề chuyển đổi số, chuyển dịch chuỗi cung ứng và yêu cầu phát triển xanh - bền vững… đòi hỏi Việt Nam phải có các chiến lược phát triển linh hoạt, hiệu quả và đột phá mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.

Thực tế con đường hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số đặt ra nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, khoa học - công nghệ và năng lực nội tại của doanh nghiệp (DN).

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương khẳng định, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được khi các giải pháp được thực thi thực chất. Cần chuyển từ tư duy chính sách trên lý thuyết sang hành động có giám sát và kiểm tra nghiêm túc.

Ông Sơn cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình quản trị tiên tiến từ các quốc gia phát triển để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các mô hình đo lường rủi ro tài chính, chính sách đối phó với khủng hoảng, và đặc biệt là sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành để không “vênh nhau” trong quá trình điều hành.

“Vai trò phối hợp giữa các bên – Nhà nước, DN, học viện và tổ chức xã hội – được khẳng định là yếu tố quyết định để đảm bảo các giải pháp được triển khai hiệu quả, liên tục và đồng bộ. Thực tế, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có các Nghị quyết, chỉ đạo liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như nhấn mạnh yêu cầu hiệu quả chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững” - đại diện Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nói.

Đáng chú ý, Chính phủ đã có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân đã thẳng thắn đưa ra khuyến nghị, chính sách tiền tệ bảo đảm chủ động trong điều tiết kinh tế vĩ mô đi đôi với tạo tâm lý ổn định trong giới đầu tư, hạn chế nguồn vốn trong nền kinh tế “chảy” vào các thị trường tài sản thay vì sản xuất – kinh doanh dài hạn.

Về chính sách tài khóa, chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng, cần giảm thuế thu nhập cá nhân và DN để kích thích đầu tư – tiêu dùng, song song với đó là mở rộng cơ sở thu từ thuế tài sản, từ đó bảo đảm ngân sách không bị hụt thu. Bên cạnh đó, thoái vốn khỏi các DN nhà nước và khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) một cách phù hợp cũng là giải pháp được nhấn mạnh để tăng tính hiệu quả sử dụng vốn công.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số: Cần tư duy mới, cách làm mới tạo đột phá mới!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO