Không thể mạo hiểm với di sản vịnh Hạ Long
Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại Tân Tiến (gọi tắt là Công ty Tân Tiến) liên tục phản ánh đến báo chí, cho rằng họ đang bị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh làm khó, không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất xút tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long, trong khi dự án đã được Chính phủ đồng ý quy hoạch, được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Đặc biệt, lãnh đạo Công ty Tân Tiến luôn nhấn mạnh đến việc họ đã xây dựng nhà điều hành, nhập dây chuyền thiết bị với hàng trăm tỉ đồng để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất xút tại KCN Việt Hưng.
Dự án Nhà máy sản xuất xút của Công ty Tân Tiến được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2006 để sản xuất hóa chất (phèn lọc nước, xút, vôi bột) và chế biến bột than. Nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục về môi trường, quy hoạch, đất đai, xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu “sản xuất phèn” theo công suất đăng ký từ tháng 6/2013.
Năm 2016 Ban Quản lý Khu kinh tế đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần 2 cho dự án, trong đó quy mô dự án được điều chỉnh thành: Phèn lọc nước 982 tấn/năm, xút 20.000 tấn/năm, axit HCL 32% là 44.900 tấn/năm; Clo lỏng 2.400 tấn/năm; Javen 3.600 tấn/năm.
Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Tân Tiến thực hiện các nội dung, thủ tục pháp lý theo quy định, hướng dẫn công ty hoàn thiện báo cáo Bộ TN&MT xem xét, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Dự án nhà máy sản xuất xút của Công ty Tân Tiến nằm ở đầu nguồn vịnh Cửa Lục. Ảnh Lao Động
Ngày 20/3/2017, Bộ TN&MT có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó có khuyến cáo ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố rò rỉ hóa chất Clo3 ra môi trường.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã làm việc với Công ty Tân Tiến để trao đổi về những nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án. Sau đó, Công ty có văn bản xin thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chứng nhận điều chỉnh lần 2 ngày 4/5/2017 và đề nghị cấp lại dự án mới (trong đó Công ty bỏ mục tiêu sản xuất Clo lỏng và axit HCL - đây là 2 hóa chất cơ bản có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường theo khuyến cáo của Bộ TN&MT).
Dẫu vậy, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, qua tham vấn các chuyên gia, để sản xuất xút (NaOH) 20.000 tấn/năm thì lượng Clo sinh ra tương ứng là 17.740 tấn/năm. Để sản xuất 3.600 tấn Javen cần 3.382 tấn Clo; sản xuất 20.000 tấn dung dịch PAC và 10.000 tấn PAC bột sẽ cần 4.812 tấn Clo.
Như vậy tổng lượng Clo sử dụng trong quá trình sản xuất là 9.194 tấn/năm, trong khi lượng Clo sinh ra từ quá trình sản xuất xút là 17.740 tấn/năm thì lượng Clo vẫn còn dư là 9.546 tấn/năm, nên tỉnh không chấp thuận chủ trương xây dựng dự án tại KCN Việt Hưng.
Tại cuộc làm việc nhiều bên vào tháng 6/2018, ông Nguyễn Hoàng Tân, đại diện cho Công ty Tân Tiến khẳng định, nhà máy có công nghệ hiện đại nhất thế giới nên đảm bảo không gây ảnh hưởng tới môi trường. Công ty mong tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để thực hiện dự án do đã đầu tư một phần hạ tầng và nhập dây chuyền sản xuất.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, không phải địa phương gây khó dễ, mà sau các sự cố về môi trường trên cả nước, cùng với chủ trương, chính sách của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh mới đây về bảo vệ môi trường, nên không khuyến khích những dự án như vậy ở những vị trí nhạy cảm. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng di sản vịnh Hạ Long.
Vì vậy, lãnh đạo Quảng Ninh đề nghị Công ty Tân Tiên chia sẻ với Quảng Ninh - không xây dựng nhà máy ở vị trí trên và tỉnh tạo điều kiện tìm vị trí khác, nhưng không nằm ven vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Trong trường hợp Công ty không muốn thực hiện dự án, tỉnh sẽ tính toán phương án hỗ trợ, đền bù cho Công ty.
Song, đại diện Công ty Tân Tiến vẫn bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục đầu tư tại KCN Việt Hưng bởi chuyển vị trí khác sẽ phải làm lại từ đầu, từ khâu làm thủ tục xin đất, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường,…
Công ty Tân Tiến xây dựng trái quy hoạch
Về phản ánh Công ty Tân Tiến đã chuẩn bị tất cả các điều kiện vật chất để triển khai xây dựng nhà máy xút mất cả trăm tỉ đồng, trao đổi với phóng viên báo điện tử Công luận, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công ty Tân Tiến đã xây dựng nhà điều hành và một số hạng mục trái với quy hoạch.
Theo biên bản làm việc giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế và Công ty Tân Tiến ngày 25/11/2016, Đoàn kiểm tra cho biết Công ty Tân Tiến đã xây dựng 3 hạng mục, gồm: Nhà văn phòng diện tích 525m2; Khu bể xử lý nước thải, diện tích 700m2; Thi công ép cọc khu bồn chứa sản phẩm.
Công ty Tân Tiến triển khai xây dựng nhiều hạng mục trái quy hoạch, khi chưa hoàn thiện các thủ tục. Ảnh Đại Đoàn kết
Đối chiếu với Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nhà máy sản xuất xút, clo thuộc dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than tre tại KCN Việt Hưng của Công ty Tân Tiến được Ban Quản lý Khu kinh tế phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-BQLKKT ngày 17/11/2016, các hạng mục công trình trên không đúng quy hoạch.
Đoàn kiểm tra nêu rõ, việc triển khai thi công xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút, clo thuộc dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than tre của Công ty Tân Tiến đã vi phạm quy định tại Điều 89, Luật xây dựng số 50/2014/QH13; Điều 18, Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH 13 ngày 23/6/2014.
Khi phát hiện những sai phạm nêu trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty Tân Tiến dừng ngay việc triển khai thi công xây dựng; đồng thời hoàn thiện các thủ tục về môi trường, xây dựng và các quy định khác theo quy định pháp luật.
Ký vào trong biên bản làm việc, đại diện Công ty Tân Tiến là ông Đinh Văn Bắc đã nhất trí với nội dung kết quả kiểm tra và cam kết triển khai thực hiện theo yêu cầu của Đoàn công tác.
Không rõ Công ty Tân Tiến đã đầu tư vào đây hết bao nhiêu tiền nhưng việc doanh nghiệp xây dựng các hạng mục khi chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, trái với quy hoạch thì thiệt hại thuộc về chính doanh nghiệp, khó có thể trách Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh.
Viết Cường