Thuế đối ứng của Mỹ: 'Trong rủi ro có cơ hội'

09/04/2025 06:41

(CLO) Việc áp mức thuế cao có thể ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có thể là tin tốt với những lợi ích dài hạn của việc xây dựng một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn.

Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng hoá từ tất cả các quốc gia, quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4. 

Bên cạnh mức thuế 10% nêu trên, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng, đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn vào từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, Mỹ dự kiến áp thuế lên tới 46%. Dù vậy, mức thuế này có khả năng sẽ thay đổi sau cuộc đàm phán vào ngày hôm nay (9/4).

thue doi ung cua my trong rui ro co co hoi hinh 1

Việc áp mức thuế cao có thể ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn. (Ảnh: CP)

Liên quan tới vấn đề này, các công ty chứng khoán đang có những đánh giá trái chiều về mức thuế của Mỹ.

Theo đánh giá của SSI, đối với mức thuế cơ bản, với mức thuế hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 3,53%, mức thuế mới 10% sẽ không có nhiều tác động quá tiêu cực, do đây là mức thuế chung đối với tất cả các quốc gia. 

Trên thực tế, điều này có thể mang lại lợi thế nhẹ cho Việt Nam vì sự chênh lệch thuế giữa các đối tác thương mại chính của Mỹ không quá lớn.

Đối với thuế đối ứng, nếu được thực hiện, điều này có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu vì chuỗi cung ứng và nhu cầu không thể điều chỉnh nhanh chóng trong ngắn hạn. 

Tóm lại, thuế đối ứng không chỉ là để cân bằng cán cân Thương mại hay để tăng thu ngân sách, mà còn là công cụ để giải quyết các mối quan tâm khác từ phía Mỹ.

“Có thể nói thuế đối ứng đóng vai trò như một mức trần cho điểm khởi đầu của các cuộc đàm phán”, SSI nêu.

Cũng theo SSI, việc áp mức thuế cao có thể ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có thể là tin tốt với những lợi ích dài hạn của việc xây dựng một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và động lực tăng trưởng để xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn.

Việc đánh giá tác động trên thực tế cần có giả định về kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái, do chuỗi cung ứng cần nhiều năm để điều chỉnh theo tác động của Chiến tranh Thương mại. 

“Do đó chúng tôi cho rằng biện pháp thuế đối ứng có thể không được duy trì quá lâu do những ảnh hưởng đến lạm phát hay tăng trưởng sẽ mang tính dài hạn”, SSI nêu.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định: Việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam có thể tác động mạnh tới một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. 

Đơn cử, trong ngành vật liệu xây dựng, sản phẩm đá ốp lát thạch anh xuất khẩu của Phú Tài (PTB) chủ yếu sang Mỹ và châu Âu, chiếm 60%. Do sản phẩm đá ốp lát nằm trong danh sách bị áp thuế 25% từ 9/4, tác động rất tiêu cực.

Các công ty dệt may như Thành Công (TCM), TNG, May Sông Hồng (MSH), Vinatex (VGT), Sợi Thế Kỷ (STK) đều chịu tác động rất tiêu cực do thuế nhập khẩu từ Mỹ tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn, May Sông Hồng lên tới 80%. Lý do là Mỹ đánh thuế lên hàng dệt may từ Việt Nam, trong khi đánh thuế thấp hơn với Ấn Độ và Bangladesh là hai đối thủ cạnh tranh chính trong ngành dệt may xuất khẩu.

Đức Giang (DGC) có sản phẩm chính là photpho bị ảnh hưởng không đáng kể, trong khi Cao su Đà Nẵng (DRC) có sản phẩm chính là săm lốp: Xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28% doanh thu năm 2024, chịu tác động rất tiêu cực.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thuế đối ứng của Mỹ: 'Trong rủi ro có cơ hội'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO