Thuế quan Mỹ ảnh hưởng đến ngành ô tô toàn cầu như thế nào?
(CLO) Mức thuế 25% khiến hãng GM thiệt hại 13 tỷ USD, làm rung chuyển ngành ô tô toàn cầu đầy bất ổn.
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mức thuế 25% áp dụng lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ nước ngoài, được dự báo sẽ gây xáo trộn lớn cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Một điểm bán ô tô. Ảnh: Automob
Những thay đổi này không chỉ làm dịch chuyển dây chuyền sản xuất mà còn khiến các kế hoạch bán tài sản bị đình trệ, đồng thời tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận của các hãng xe tại nhiều khu vực.
Các nhà phân tích từ JPMorgan nhận định rằng chính sách thuế quan này sẽ dẫn đến làn sóng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trên diện rộng, buộc các hãng xe phải thay đổi chiến lược để ứng phó với tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng tài chính. Những ảnh hưởng này không đồng đều, và các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu cùng Nhật Bản được cho là nhóm dễ chịu tổn thương nhất.
Cụ thể, Toyota, Honda và phần lớn các nhà sản xuất ô tô tại Liên minh châu Âu (EU), trừ Volvo, có thể đối mặt với mức cắt giảm lợi nhuận trung bình khoảng 30%, theo dự báo của các chuyên gia.
Trong khi đó, các hãng xe Đức và Stellantis cũng không nằm ngoài vòng xoáy, với dự báo lợi nhuận cho năm tài chính 2025 giảm khoảng 25%, chủ yếu do lượng xe xuất khẩu sang Mỹ giờ đây phải chịu toàn bộ mức thuế mới.
Sự khác biệt trong khả năng ứng phó cũng được ghi nhận giữa các phân khúc. Các hãng xe đại trà khó lòng chuyển giao chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng, trong khi các thương hiệu cao cấp và xa xỉ lại có thể duy trì biên lợi nhuận nhờ khả năng tăng giá bán.
Tại Mỹ, hai “ông lớn” General Motors (GM) và Ford chịu tác động ở mức độ khác nhau. Theo JPMorgan, GM đang ở vị trí bất lợi nhất trong số các công ty được nghiên cứu, khi khoảng 40% doanh số xe tại Mỹ của hãng đến từ Canada và Mexico – so với con số chỉ 7% của Ford. Ước tính, tổng chi phí thuế quan mà GM phải gánh có thể lên tới 13 tỷ USD, trong khi con số này với Ford là khoảng 4,5 tỷ USD.
Không chỉ các hãng xe, áp lực từ chính sách thuế quan còn lan sang phân khúc xe tải tại Mỹ, vốn đang đối mặt với nhu cầu suy giảm. Các nhà phân tích chỉ ra rằng lượng đơn đặt hàng tại Bắc Mỹ đã chững lại trong vài tháng qua, nguyên nhân chính là sự bất ổn kinh tế từ các cuộc đàm phán thuế quan. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý II của các nhà sản xuất.
Để đối phó, nhiều hãng xe đang đẩy nhanh quá trình nội địa hóa sản xuất. Honda đã quyết định chuyển dây chuyền sản xuất mẫu Civic hybrid từ Mexico sang bang Indiana, Mỹ. Volvo Cars cũng mở rộng quy mô sản xuất tại Nam Carolina, trong khi Mercedes-Benz cân nhắc dịch chuyển sản xuất sang Mỹ. Volkswagen thì tạm dừng nhập khẩu và đang xây dựng các kế hoạch dự phòng dài hạn.
Các nhà cung cấp phụ tùng tại châu Á và Mỹ Latinh cũng không đứng ngoài cuộc. Thuế quan áp lên các linh kiện quan trọng như hộp số và động cơ sẽ tạo ra tác động không đồng đều.
Aptiv được đánh giá là một trong những nhà cung cấp dễ bị tổn thương nhất. Ngược lại, JPMorgan cho rằng các công ty phụ tùng tại Brazil có vị thế tương đối tốt nhờ tập trung vào xe tải hạng nặng và được hưởng một số miễn trừ theo Hiệp định USMCA.
Dù các nhà sản xuất ô tô nhìn chung vẫn có nguồn vốn dồi dào, với tỷ lệ tiền mặt ròng trên doanh thu khoảng 15%, JPMorgan cảnh báo rằng việc ngừng sản xuất và lượng tồn kho lớn trong quá trình vận chuyển có thể gây áp lực lên bảng cân đối kế toán. Điều này có thể buộc các hãng phải trì hoãn kế hoạch mua lại cổ phần hoặc chi trả cổ tức trong nửa đầu năm.
Trong ngắn hạn, sự bất ổn từ thuế quan khiến một số kế hoạch bán tài sản trong ngành ô tô bị đình lại. Đồng thời, các hãng xe dự kiến sẽ tăng nhẹ chi tiêu vốn để hỗ trợ việc chuyển dịch sản xuất từ Mexico sang Mỹ, nhằm giảm thiểu rủi ro từ chính sách mới.
Dũng Phan (Theo Investing)