Thuế thu nhập cá nhân: Không thể mãi “cào bằng” mức giảm trừ gia cảnh
(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc thiết lập mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh, nhằm bảo đảm đời sống cho người nộp thuế.
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh không thể “đóng đinh” như hiện nay mà nên linh hoạt theo vùng miền hoặc gắn với mức lương tối thiểu.

+ Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế đời sống. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Thuế thu nhập cá nhân tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân, đặc biệt là nhóm người làm công ăn lương – những người có thu nhập ổn định, minh bạch, không thể “né” thuế.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đang được tính là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc – con số được áp dụng từ năm 2020.
Sau 5 năm, chi phí sinh hoạt đã biến động rất lớn, nhiều nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu, giáo dục, y tế, thực phẩm đều tăng mạnh. Trong khi đó, ngưỡng giảm trừ lại đứng yên. Điều này rõ ràng tạo ra bất cập, khiến cho người nộp thuế, đặc biệt là người làm công ăn lương rơi vào cảnh “lương chưa kịp tăng đã phải đóng thuế cao hơn”.
Chúng ta thử hình dung, ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng chi phí gửi trẻ, học phí, tiền nhà, thực phẩm… cũng đã “ngốn” gần hết thu nhập của một gia đình có khoản thu trung bình. Vậy mà với mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay, họ vẫn phải nộp thuế như thể đang có dư giả lớn. Nói cách khác, quy định hiện hành chưa phản ánh được khả năng chi trả thực sự của người nộp thuế.
Do vậy, cần phải điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh, chứ không nên chờ đến tận năm 2026 như lộ trình hiện nay. Nếu chậm trễ, chính sách thuế sẽ đi sau thực tế và gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

+ Có quan điểm ủng hộ việc quy định tính mức giảm trừ gia cảnh khác nhau, tùy theo vùng miền hoặc gắn với lương tối thiểu vùng. Theo ông, đây có phải là hướng đi khả thi?
- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Đây là hướng đi rất đáng cân nhắc, thậm chí là cần thiết. Về nguyên tắc, thuế thu nhập cá nhân không chỉ là công cụ tạo nguồn thu cho ngân sách, mà còn là cách Nhà nước điều tiết thu nhập theo hướng công bằng, ai có nhiều đóng nhiều, ai ít đóng ít. Nhưng muốn công bằng thì trước tiên phải tính đúng.
Ở Việt Nam, mức sống giữa các địa phương là rất chênh lệch. Giá thuê nhà, chi phí y tế, học hành ở đô thị lớn cao gấp nhiều lần so với nông thôn hay các tỉnh miền núi. Vậy mà cùng một quy định giảm trừ gia cảnh, người ở thành phố lớn và người ở miền núi vẫn tính như nhau thì rõ ràng là không hợp lý.
Tôi cho rằng có thể dựa vào lương tối thiểu vùng để xác định mức giảm trừ gia cảnh. Ví dụ, lấy 4 lần mức lương tối thiểu vùng làm mức giảm trừ cho bản thân, 2 lần cho mỗi người phụ thuộc... Như vậy, người lao động ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao sẽ được giảm trừ nhiều hơn. Đây là một cách tính linh hoạt và có tính pháp lý rõ ràng vì lương tối thiểu vùng được cập nhật hàng năm. Nếu áp dụng, chính sách thuế sẽ tiệm cận hơn với thực tế cuộc sống và giảm gánh nặng không đáng có cho người dân.
+ Vậy, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sắp tới, ngoài mức giảm trừ gia cảnh, theo ông, còn những vấn đề nào cần đặc biệt lưu ý?
- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Có một số điểm tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, ngoài việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, cần xem xét cấu trúc biểu thuế lũy tiến hiện nay. Biểu thuế đang quá dày, với 7 bậc và biên độ giữa các bậc rất hẹp. Điều này khiến thu nhập chỉ tăng nhẹ đã bị đẩy sang bậc thuế cao hơn, gây áp lực không nhỏ. Tôi đề xuất thu gọn còn 4–5 bậc và nới rộng khoảng cách giữa các bậc để thể hiện rõ ràng hơn nguyên tắc “người thu nhập cao hơn thì nộp thuế cao hơn”.
Thứ hai, nên bổ sung thêm các khoản chi thực tế được trừ khi tính thuế, như chi phí học hành, y tế, bảo hiểm, lãi vay mua nhà… Đây là các khoản gắn trực tiếp đến an sinh xã hội và chất lượng sống của người dân, nếu cho phép khấu trừ sẽ vừa giảm gánh nặng thuế, vừa khuyến khích chi tiêu cho giáo dục, y tế – những lĩnh vực Nhà nước cũng đang ưu tiên phát triển.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh yếu tố linh hoạt và cập nhật thường xuyên. Không nên đợi CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Như hiện nay, CPI tính trung bình tới 752 mặt hàng, trong khi người lao động chủ yếu chi tiêu cho vài chục mặt hàng thiết yếu. Do đó, cách tính này dễ gây chậm trễ, thậm chí lạc hậu. Thay vào đó, nên xây dựng một cơ chế định kỳ – ví dụ 2 năm rà soát một lần – để điều chỉnh các mức giảm trừ, đảm bảo chính sách thuế luôn theo kịp đời sống thực tế.
+ Trân trọng cảm ơn ông!