Thương lắm bóng hoàng mai
(CLO) Mấy chục năm xa quê, cứ mỗi độ cuối năm khi Tết đến xuân về lòng tôi lại nôn nao cái cảm giác nhớ Huế, nhớ nhà, nhớ cội mai già đung đưa hoa vàng trong nắng ở trước sân nhà đến lạ.
Huế giờ không còn nhiều nhà trồng mai vàng như xưa. Ngày xưa, nói thì cứ ngỡ đâu xa xôi lắm chứ độ mười lăm, hai mươi năm trở về trước ở Huế nhà nào cũng có trồng mai. Huế ngày trước đất rộng người thưa, nhà nào cũng có vườn, không có vườn thì ít cũng có khoảnh sân nhỏ ở trước nhà nên nhà nào cũng có một hai cây mai trồng làm cảnh. Vì thế khắp các cung điện, nhà vườn, phủ đệ, tư gia, đình, chùa… từ nông thôn tới thành thị, đâu đâu cũng có mai.

Những cành hoàng mai vươn dài đầy khí khái. Ảnh: Thanh Hòa
Điều dễ nhận thấy tại các tư gia ở Huế là người ta thường trồng mai ở trước sân nhà chứ ít thấy ai trồng ở sau nhà. Vị trí trồng cũng có chút đặt biệt, đó thường là bên cạnh cái bình phong, bể cạn hay am thờ.
Ba vật này đối với người Huế có ý nghĩa khá đặc biệt vì nó vừa là vật tâm linh, phong thủy vừa dùng để trang trí cho sân nhà lại được xây bền chắc, cố định. Nếu như bình phong và bể cạn luôn nằm ở vị trí giữa sân, lùi vào sau cổng một chút thì am thờ lại thường nằm chếch một bên sân. Đây là những vị trí đẹp nên người ta chọn để trồng mai ắt cũng có lí do của nó.
Lúc sinh thời ông nội tôi có nói rằng, người ta trồng mai ở mấy chỗ đó vì đấy là địa thế đẹp nhất của sân nhà lại ổn định, ít bị thay đổi, di dời. Sau này ngẫm lại thấy cũng có phần đúng vì mấy chỗ đặt bình phong, bể cạn, am thờ thường là chỗ cố định, không bị thay đổi hay có vật gì xâm lấn đến nên trồng mai vừa đẹp vừa ổn định bởi mai vốn là loài cây lưu niên.
Mai Huế gọi là hoàng mai, giống mai thân vỏ đen sẫm, lá to dày, hoa năm cánh vàng tươi, cuống ngắn, cánh hoa mịn như lụa, hương thơm thoang thoảng, đài hoa xanh biếc, nụ hoa thuôn dài và xanh bóng như ngọc. Điều thú vị là hoàng mai Huế sau khi rụng để lại đài hoa đẹp tựa như những bông mai xanh còn đọng lại trên cành.

Hoàng mai Huế là giống hoa quý. Ảnh: Thanh Hòa
Vì thế, nếu như ngày Tết hoàng mai Huế mang vẻ đẹp rực vàng kiêu sa, quý phái thì sau Tết, khi trút đi lớp cánh lụa vàng thì hoàng mai Huế lại mang vẻ đẹp non tơ mỡ màng của một màu xanh viên mãn bởi đài hoa xanh và lộc xanh vươn lên mơn mởn trong nắng xuân.
Hoàng mai Huế là giống cây lưu niên nhưng khó trồng, khó nhân giống. Nếu có trồng được nhưng đem đi khỏi Huế cũng khó ra hoa, hoặc có ra hoa cũng chẳng ra gì. Mai Huế đỏng đảnh lâu lớn, có cây trồng vài chục năm cũng chỉ cao nhỉnh đầu người. Vì thế người Huế trồng hoàng mai chủ yếu để chơi vì quý cái chất hoa của nó chứ ít khi trồng để bán vì không thể cạnh tranh được với giống mai Bình Định dễ trồng, dễ ra hoa.
Ngày trước, nhà tôi cũng có một cội hoàng mai già trồng cạnh cái bể cạn. Mai trồng ngoài đất nên cành lá sum suê, thân cành vươn thẳng đầy khí khái như tính cách người Huế. Thân mai đen sẫm, thỉnh thoảng lại có đốm mốc trắng trông nhuốm màu thời gian như người già đến tuổi da nổi đồi mồi vậy.
Mỗi năm, tùy vào thời tiết ấm lạnh, cứ đến tầm tháng Chạp là cha bắt đầu tính tới chuyện trảy lá để mai nở đúng vào dịp Tết. Nếu năm nào trời lạnh thì cha tôi lặt lá sớm vào tầm khoảng đầu tháng, còn ấm trời thì muộn hơn vào tầm giữa tháng. Việc trảy lá cũng cầu kì, thường do cha tôi tự tay làm lấy chứ không cho ai làm bởi ông bảo người khác làm không cẩn thận sẽ dễ bẻ hết nụ mới chớm. Cây mai cao nên ông thường phải bắc thang, có năm trảy suốt hai ba ngày mới xong.

Vẻ sang trọng và quý phái của hoàng mai Huế. Ảnh: Thanh Hòa
Mai trảy lá xong trông thân cành khẳng khiu, trơ trụi, ấy vậy mà chẳng mấy chốc đã lấm tấm nụ xanh bật ra trên làn vỏ sẫm. Càng gần tới Tết nụ càng lớn, kết thành chùm, xanh bóng như ngọc bích. Thảng hoặc có những nụ nở sớm hé mở chúm chím vàng trông dễ thương lạ.
Khoảng tầm 27 – 28 Tết, cha tôi thường chọn một cành mai ưng ý cắt xuống cắm vào cái độc bình làm bằng cát tút đạn được đánh bóng vàng chóe để chưng trên bộ bàn chữ “H” đặt ở gian giữa nhà. Trên cành mai ấy mấy chị em tôi hay cài thêm mấy cánh thiệp xuân hoặc buộc đôi ba cái bóng bay xanh đỏ. Vậy là không khí Tết đã tràn ngập khắp nhà.
Mấy ngày Tết ra đường ngó nhà nào mai cũng nở vàng rực rỡ. Cội mai già trước sân nhà tôi cũng duyên dáng tỏa hương khoe sắc, cánh mai rụng vàng dưới gốc, gió thổi đẩy đưa bay khắp sân như đàn bướm vàng nhỏ xinh đùa vui trong nắng mới.
Trận đại hồng thủy kinh hoàng năm 1999 đã dìm chết cây hoàng mai trước sân nhà tôi. Và cũng từ đó nhà tôi không còn cây hoàng mai nào nữa. Con đường nơi tôi ở và cũng như nhiều con đường ở Huế cũng dần vắng bóng hoàng mai bởi những khu nhà vườn năm nào giờ đã bị chia năm xẻ bảy biến thành những căn nhà ống nên cũng chẳng còn đất đâu để trồng hoàng mai.

Hoàng mai - biểu tượng của mùa xuân xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa
Mấy năm gần đây có dịp trở lại Huế thấy phong trào chơi hoàng mai có vẻ rục rịch phát triển. Ngày Tết thường có hội thi hoàng mai, rồi thì thành phố cho trồng cả mấy vườn mai lớn trước Đại Nội, trước Phu Văn Lâu. Thấy vậy tôi cũng mừng, mừng cho hoàng mai Huế vẫn còn được nhiều người ái mộ, mến yêu.
Thế nhưng, tự trong sâu thẳm của cõi lòng tôi vẫn thấy nhớ đến da diết hình ảnh của bóng hoàng mai xưa, hoàng mai của cái thời Huế còn xưa cũ. Bởi với tôi có lẽ chỉ ở những khoảnh sân nhà vườn Huế đầy ắp kỉ niệm, hoàng mai mới có thể phô bày được hết vẻ đẹp đài các, kiêu sa, sang trọng và hoài cổ của mình.
Có thể hôm nay nhiều người sẽ thích những chậu hoàng mai bonsai mang những dáng hình công phu, kì thú, hay những vườn hoàng mai mênh mông, bát ngát dưới chân kì đài.
Nhưng với tôi, hình ảnh những cây hoàng mai mọc tự nhiên cành lá sum suê bung hoa chi chít như một chiếc lọng vàng che nghiêng bên cái bình phong trước sân nhà hay bên những bờ tường xưa cũ trước sân nhà ai đó dường như vẫn có nét gì đó thấm đượm cái tinh thần ngày Tết của Huế hơn.

Hoàng mai trong thành nội. Ảnh: Thanh Hòa

Hoàng mai rực vàng bên Cửu đỉnh. Ảnh: Thanh Hòa

Bóng hoàng mai bên cung vàng điện ngọc. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách nước ngoài ngắm vẻ đẹp của hoàng mai. Ảnh: Thanh Hòa

Người dân Huế mua cành mai về chơi Tết. Ảnh: Thanh Hòa
Thanh Hòa