Đời sống

Thường Tín: Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao

T.Toàn 27/06/2025 20:18

(CLO) Thường Tín đang viết tiếp câu chuyện thành công của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới bằng những bước đi vững chắc.

Ngày 17/6, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1181/QĐ-TTg, công nhận huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, năm 2020, chính quyền và nhân dân trong huyện vui mừng đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, địa phương không ngừng củng cố và nâng cao tiêu chí tại các xã nông thôn mới. Đến nay, đã có 20 xã trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

11go1.jpg
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Ảnh: GV

“Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nên sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020, huyện tiếp tục xây dựng lộ trình phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Sau 4 năm nỗ lực, đến nay huyện đã được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao với nhiều điểm sáng ấn tượng”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Minh cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện, hàng năm, Thường Tín đều xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối nguồn vốn và các điều kiện để thực hiện. Nhờ đó, huyện không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Các công trình được đầu tư xây dựng bảo đảm chất lượng, sử dụng hiệu quả.

Đặc biệt, Thường Tín là huyện có tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới rất cao. Theo khảo sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và thực hiện, tỷ lệ hài lòng của người dân lên tới 99,92% - một con số ấn tượng, cho thấy người dân thực sự được hưởng lợi từ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, nông thôn mới nâng cao đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn, mang tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân.

Bởi vậy, huyện xác định phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập bằng cách tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới được khuyến khích phát triển, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc kết nối sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ đang được đẩy mạnh, giúp nâng tầm thương hiệu nông sản Thường Tín.

"Sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, theo vùng sản xuất chuyên canh tập trung hiệu quả cao. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 15 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp", ông Bùi Công Thản cho hay.

Bên cạnh đó, nhờ có sự quan tâm đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn của huyện Thường Tín không ngừng được xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện. Ngoài việc duy trì và nâng cấp các công trình hiện có, Thường Tín đang hướng tới xây dựng hệ thống hạ tầng thông minh hơn. Hệ thống chiếu sáng công cộng được nâng cấp, các tuyến đường nội đồng được cứng hóa, và đặc biệt là việc đầu tư vào hạ tầng số, giúp người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách thuận tiện nhất.

Tự hào với bề dày văn hóa - lịch sử, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Thường Tín luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Hiện 5/5 trường THPT công lập trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trong đó Trường THPT Nguyễn Trãi đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Bệnh viện đa khoa huyện được đầu tư với quy mô 300 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2, có khả năng khám và điều trị cho 800 lượt bệnh nhân/ngày. Hệ thống 29 trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn y tế quốc gia, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

“Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,1 triệu đồng/người/năm, nhưng đến hết năm 2024 đã đạt 76,06 triệu đồng/người/năm (tăng 1,38 lần). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,01%”, ông Bùi Công Thản thông tin.

11go2.jpg
Đoàn thẩm tra nông thôn mới TP Hà Nội kiểm tra tiêu chí trường học tại Trường THPT Thường Tín. Ảnh: NM

Đặc biệt, Thường Tín luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Các chương trình thu gom, xử lý rác thải được triển khai hiệu quả, các mô hình bảo vệ môi trường tự quản được nhân rộng. Không gian công cộng được quy hoạch và phủ xanh, tạo nên môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên.

Điều đáng ghi nhận nhất trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Thường Tín không chỉ là sự đầu tư về vật chất mà còn là sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của toàn thể người dân. Họ không chỉ là đối tượng hưởng lợi mà còn là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình này. Từ việc hiến đất mở đường, đóng góp công sức, đến việc thay đổi thói quen sản xuất, sinh hoạt, tất cả đều thể hiện tinh thần trách nhiệm và khát vọng vươn lên.

Dù chặng đường phía trước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều thách thức nhưng Thường Tín đang chứng minh rằng, nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn có thể trở thành những vùng đất trù phú, văn minh, một vùng quê đáng sống.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thường Tín: Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO