1. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 là công trình trọng điểm quốc gia, đoạn qua các tỉnh Bình Định và Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 140km.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 dài 118km, tổng kinh phí 7.798 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án BOT Bắc Bình Định qua huyện Hoài Nhơn dài 28,7km do Tổng Công ty CP BOT Bắc Bình Định thực hiện. Dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ dài 60,6km qua các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thị xã An Nhơn, do BQL Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) thực hiện. Dự án BOT Nam Bình Định dài 40,66km, do Công ty CP BOT Bình Định thực hiện.
Đường quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định - Phú Yên tróc lở như mặt ruộng.
Các dự án thành phần được khởi công từ đầu 2013, do BQL Dự án 2 (Bộ GTVT) phụ trách. Tuy nhiên, quá trình thi công liên tục chậm tiến độ, Bộ GTVT đã phải thay BQL Dự án 2 bằng BQL Dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án sau đó đã thông xe sớm vào tháng 1/2015, nhưng gần như lập tức xuất hiện hư hỏng mặt đường, khiến nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra. Bộ GTVT đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhưng như “nước đổ đầu vịt”.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, dự án mở rộng đoạn quốc lộ 1 khởi công vào tháng 9/2013, đưa vào sử dụng cuối 2015, có chiều dài hơn 66km, tổng mức đầu tư 4.350 tỷ đồng, do BQL Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau vài cơn mưa, đoạn quốc lộ này đã bị sụt lở nhiều nơi, là nỗi ám ảnh sợ hãi của cánh tài xế.
Khi báo chí, mạng xã hội liên tục phản ánh, ca thán, đầu tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lập đoàn thanh tra để kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh.
Đến cuối tháng 11/2018, TTCP đã họp cùng đại diện Bộ GTVT, Ban quản lý dự án, các nhà thầu và công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật ở đoạn đường vạn tỷ nói trên.
Những cái bẫy chết người trên đường quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định - Phú Yên.
2. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, TTCP vào cuộc mạnh mẽ, nhưng “chuyển động” của Bộ GTVT, BQL dự án và nhà thầu lại cho thấy không ít sự yếu kém, vô cảm. Bởi khi họ mãi loay hoay “vá đường”, thì tai nạn đau xót đã liên tiếp xảy ra.
Đầu tiên, ngày 26/11, ông Hải (50 tuổi, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên) đi trên quốc lộ 1 qua địa bàn huyện đã sập “ổ gà” làm gãy xương vai. Thương tâm hơn, ngày 10/12, anh Tánh (34 tuổi, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên) điều khiển xe máy khi đến KM1352+900, quốc lộ 1, đã đâm trúng “ổ gà”, ngã và tử vong tại chỗ.
Như đã nói trên, dự án do BQL Dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, mới đưa vào sử dụng cuối 2015, còn ít nhất 01 năm bảo hành nhưng đã kịp “đặt” hàng loạt “bẫy” trên đường, sẵn sàng tước đi mạng sống của người dân vô tội.
Người qua Phú Yên khổ sở, người qua Bình Định cũng thảm thương. Theo Trạm CSGT Tuy Phước (tỉnh Bình Định), đoạn quốc lộ 1 qua thị xã An Nhơn dài 8km nhưng từ tháng 10/2015 đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ tai nạn làm 6 người chết, hàng chục vụ va chạm gây thương tích. Mặt đường tệ hại đã đành, nhiều tuyến tránh quốc lộ 1 không điện chiếu sáng, không dải phân cách,… đã thay nhau đẩy người dân ra đối diện với “thần chết”.
Đại diện chủ đầu tư đã đổ lỗi cho đủ thứ, từ bão lũ, biến đổi khí hậu đến độ bám của đá kém,… khiến đường hư hỏng. Nhưng họ sẽ lý giải thế nào, khi người dân phải thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên con đường mà ngân sách và chính họ bỏ tiền ra xây dựng, trả phí? Người dân cũng đã hỏi Bộ trưởng GTVT về việc ông đã làm gì khi đã đi thực tế vào tháng trước? Ông có thể trả lại cho gia đình bạc phận ấy người con, người chồng, người cha?…
Tai nạn không ai mong muốn, Bộ trưởng Thể cũng không, và đã cam kết xử lý nghiêm sai phạm. Thực tế, BQL dự án đã có động thái “trảm tướng” như cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng trước đây. Nhưng kết quả của cuộc “trảm tướng” năm xưa, là bộ mặt quốc lộ 1 hôm nay tan nát (!?).
Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên đầy cạm bẫy.
3. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho biết, cuối 2017, quốc lộ 1 qua Bình Định hư hỏng rất nghiêm trọng, cử tri liên tục kiến nghị. Tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, bà đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. “Khi đó, đích thân Bộ trưởng cũng đã hứa trước Quốc hội là sẽ chỉ đạo khắc phục dứt điểm, trước mùa mưa lũ 2018…”, bà Hạnh nói.
Lâu nay, các dự án giao thông ngàn tỷ, vạn tỷ thường bị đặt nghi vấn về những thứ như “hoa hồng”, “lại quả”, “rút ruột”,... Thế nên, như luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) đã lo sợ vì sự “lờn thuốc” nếu không khởi tố.
Theo luật sư, trước cái chết của anh Tánh trên quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên, báo chí đã liên tục phản ánh tình trạng phương tiện sập “ổ gà”, “ổ voi”, bị lật, gãy nhíp, văng bánh. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh với đơn vị quản lý. Đặc biệt, trước khi vụ tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã có văn bản phê bình BQL Dự án Thăng Long không thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu của Bộ và chưa tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật trong việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường…
Qua đây, có thể thấy đơn vị có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa đoạn đường này đã không có những biện pháp đảm bảo ATGT kịp thời, thậm chí là chống lệnh, phớt lờ các phản ánh, chỉ đạo, nên đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với cấp lãnh đạo, Cục Quản lý đường bộ phụ trách tuyến đường trên phải bị xem xét truy cứu hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360 BLHS). Với người trực tiếp liên quan đến công việc bảo trì, sửa chữa phải chịu trách nhiệm về hành vi “Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (Điều 281 BLHS). Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nếu không khởi tố, cán bộ sẽ lờn thuốc, lương tâm họ sẽ không thức tỉnh.
Hơn vạn tỷ rải trên 140km đường tan nát, đau thương, thì dấu hỏi về cái tâm, cái tầm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mà người dân đặt để cũng không có gì khó hiểu.
Kiên Giang