Liên tục các kế hoạch hành động từ Chính phủ tới các Bộ ngành, luật hoá các nội dung liên quan IUU vào Luật Thuỷ sản 2017, đáp ứng các khuyến cáo của EU… đã thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thoát khỏi “thẻ vàng” thuỷ sản từ EU. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bị EC rút “thẻ vàng” vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam “sửa mình”, tìm hướng phát triển bền vững.
Tìm mọi cách thoát “Thẻ vàng”
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có thoát được “Thẻ vàng” của EU trước 2019 không, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, năm nay Ủy ban châu Âu (EC) có 3 đoàn sang kiểm tra, có 2 Cao ủy sang làm việc với lãnh đạo Bộ. Thủ tướng đã có Công điện 732 nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, nếu để tàu địa phương vi phạm vùng đánh bắt sẽ xử nghiêm.
“Đến nay tình trạng tàu cá vi phạm của Việt Nam đã giảm hẳn. Quảng Ngãi từ tháng 7 đến nay không ghi nhận 1 tàu cá nào vi phạm nữa mặc dù đây là tỉnh đội sổ về số tàu cá vi phạm vùng đánh bắt lâu nay. EU quan tâm đến các hành động thực tiễn”, Thứ trưởng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, “chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát thẻ vàng. Tất cả các nội dung làm việc với EU thì Bộ sẽ quyết tâm để được cụ thể hóa”.
Bộ NN&PTNT cũng vừa có văn bản gửi 7 Bộ gồm Bộ Quốc Phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang xin góp ý về Chỉ thị của Thủ tướng về việc khắc phục việc EC cảnh báo bằng “Thẻ vàng”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ NN&PTNT xin ý kiến góp ý từ các bộ ngành, địa phương về các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng trên. Văn bản gửi về Bộ trước ngày 23/11 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước ngày 30/11.
Trước đó, ngày 23/10, EU đã quyết định rút
“Thẻ vàng” với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi trong 10 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên EU đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, với kim ngạch 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.
Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018...
Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu...
Đặc biệt, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, theo đánh giá của EU, chúng ta sẽ bị chuyển sang cảnh báo “Thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.
Cùng với những hành động quyết liệt của Chính phủ và các Bộ ngành, Luật Thuỷ sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho việc thoát khỏi “thẻ vàng” của EU. Theo đó, nội dung của IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) đã được lồng vào Luật Thủy sản.
Như vậy, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng. Cũng như thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam.
Đồng thời, quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động…
Tuy nhiên, điều đáng nói là Luật Thuỷ sản 2017 dù được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh được việc nhận “thẻ đỏ” từ EU thì lại đến ngày 1/1/2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 6 tháng cho việc thay đổi “thẻ vàng” từ EU.
Cơ hội thay đổi
Đáng chú ý, việc EU cảnh báo về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp đối với nước ta đã được đưa ra từ tháng 5/2017, nghĩa là cách đây khoảng 5 tháng, thế nhưng, sau khoảng thời gian đó, họ vẫn quyết định rút thẻ vàng đối với các loại hải sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam bởi họ vẫn thấy nhiều nguy cơ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành thủy sản, động thái của EU trong việc rút thẻ vàng cảnh cáo đối với các sản phẩm hải sản đánh bắt của Việt Nam không phải là không có cơ sở. 239 ngư dân bị cáo buộc vi phạm vùng biển chủ quyền của nước ngoài khi khai thác hải sản chỉ là một phần của thực tế hiện nay. Ngư dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đã bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ với cáo buộc khai thác thủy sản trái phép. Chỉ riêng tại tỉnh Kiên Giang, một con số thống kê của cơ quan chức năng cho biết, trong năm 2016, có 40 tàu cá của tỉnh bị bắt giữ vì khai thác trái phép và 9 tháng đầu năm 2017, con số này lên đến 44 tàu cá. Những con số này tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh ngành cá Việt Nam trong việc đánh bắt khai thác hải sản thiếu tuân thủ pháp luật.
Theo ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá TP. Rạch Giá, Kiên Giang, mặc dù hành động của EU sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với ngành khai thác, đánh bắt của Việt Nam nhưng đây sẽ là điều kiện để ngư dân của chúng ta thực thi tốt hơn nữa các quy định pháp luật, hướng đến khai thác bền vững nguồn lợi này. Một trong những giải pháp cần phải triển khai ngay đó là phải ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển đánh bắt. Để làm được công việc này, đòi hỏi phải đào tạo, nâng cao kiến thức cho ngư dân.
Ông Nguyễn Tử Cương (Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững Hội nghề cá Việt Nam) cho rằng: Cần phải đào tạo lực lượng lao động và có chính sách đào tạo miễn phí để nâng hiệu quả đánh bắt. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy hải sản, vấn đề còn lại là làm sao trước khi vươn khơi, mỗi ngư dân có mặt trên từng con tàu phải nhuần nhuyễn về kỹ năng và nắm vững pháp luật chủ quyền khai thác hải sản. Tại Đại học Nha Trang - những lớp đào tạo lao động biển theo một cách chuyên nghiệp đã được triển khai. Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã đặt nền tảng cơ bản để nâng cao hiệu quả đánh bắt, phát triển ngành khai thác thủy sản chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp về kỹ năng đánh bắt và nắm chắc pháp luật hàng hải, về chủ quyền biên giới biển. Cùng với ý thức tuân thủ pháp luật của từng ngư dân, việc nâng cao kiến thức, đào tạo những ngư dân chuyên nghiệp sẽ là nền tảng để kinh tế biển phát triển bền vững.
Nhận định về vấn đề, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep cho rằng, đây là lần đầu tiên EU đưa ra những cảnh báo đối với mặt hàng hải sản đánh bắt của Việt Nam liên quan đến việc chống khai thác bất hợp pháp.
Dù thừa nhận ngành khai thác hải sản của chúng ta sẽ có những khó khăn nhất định song ông Nam cho rằng, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nam cho biết, Vasep cũng đã có khuyến cáo đối với các DN, ngư dân Việt Nam rằng, với mong muốn duy trì để EU không chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ sau 6 tháng tới và hướng tới lấy lại thẻ xanh cho Việt Nam, Hiệp hội Vasep và cộng đồng DN hải sản sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế cam kết chỉ thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…❏
Khánh An