'Tiền mất tật mang' khi dùng thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc rao bán tràn lan trên mạng

Chủ nhật, 12/09/2021 11:02 AM - 0 Trả lời

(CLO) Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã quảng cáo nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các loại mặt hàng trôi nổi này để tránh “tiền mất, tật mang”.

Tràn lan thuốc chữa COVID-19 xách tay trên thị trường

Nắm bắt được tâm lý lo lắng của một số người dân, nhiều trang Facebook đã rao bán loại thuốc chữa COVID-19, trong đó có đủ loại thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc chống đông máu.

tien mat tat mang khi dung thuoc dieu tri covid 19 khong ro nguon goc rao ban tran lan tren mang hinh 1

Thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc đang bán trên thị trường. Ảnh minh hoa

Nguy hiểm hơn, có người vẫn bán dù biết loại thuốc đó chưa được một cơ quan nào kiểm nghiệm chất lượng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Đến tên gọi của thuốc nhiều người còn không đọc được.

Theo lời của người bán, loại thuốc liên tục cháy hàng, lượng đặt mua rất đông. Liệu người dân có đang quá tin tưởng vào công dụng của loại thuốc này hay không, dù giá của nó là 3-4 triệu đồng/hộp - một mức giá không hề rẻ.

Cùng với tâm lý sính ngoại, hàng xách tay đặc biệt là thuốc tân dược đang ngày càng bán phổ biến trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo khi quyết định mua và sử dụng một loại thuốc nào đó, đặc biệt là thuốc cần có kê đơn của bác sĩ.

Chỉ trong 3 ngày, Công an TP Hà Nội đã liên tục phát hiện và bắt giữ hơn 34.500 viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 7/9, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị phát hiện và thu giữ 1000 viên thuốc phòng, điều trị Covid-19 ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ. Công an quận đã tiến hành triệu tập 2 đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.

Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, từ đầu tháng 8-2021, trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện một số đối tượng thường xuyên giao dịch mua bán các mặt hàng thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các loại thuốc liên quan đến phòng, điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Cảnh sát phát hiện các đối tượng thường giao dịch, mua bán và giao hàng qua shipper giao hàng, không trực tiếp lộ diện để tránh sự kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập Mai Đức Thủy (SN 1993, HKTT Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến cơ quan Công an làm việc.

Tại cơ quan Công an, Thủy khai nhận thuốc điều trị Covid-19 trên được thu gom từ các nguồn trên mạng để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng.

Vào ngày 3/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị COVID-19 khi đang trên đường vận chuyển.

Thông tin trên nhãn mác cho thấy, số thuốc có xuất xứ từ nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, đồng thời không có thông tin đơn vị nhập khẩu và không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.

Theo thông tin rao bán của chủ hàng, có 2 loại thuốc điều trị COVID-19 bị thu giữ chuyên sử dụng để điều trị cho bệnh nhân F0. Trong đó, có loại dành cho người già. Người bán luôn khẳng định là thuốc xách tay từ Nga. Nhưng hiện Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho 2 loại thuốc kể trên.

Trước đó 1 ngày, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 200 hộp thuốc điều trị COVID-19 khi đang vận chuyển hàng đi tiêu thụ tại địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Như vậy, chỉ trong 3 ngày Công an TP Hà Nội đã phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hơn 34.500 viên thuốc điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất (trị giá trên 2 tỉ đồng), không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Một điểm chung trong các vụ bắt giữ, mặt hàng thuốc vi phạm đều là các loại thuốc điều trị COVID-19 được quảng cáo hàng xách tay từ Nga. Để giao dịch trót lọt, các chủ hàng thường rao bán trên các trang mạng, hội nhóm giao dịch kín, khi có khách đặt mới giao hàng, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra trinh sát của cơ quan công an.

tien mat tat mang khi dung thuoc dieu tri covid 19 khong ro nguon goc rao ban tran lan tren mang hinh 2

Hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc rao bán tràn lan trên mạng bị bắt giữ. Ảnh: TL

Không dùng thuốc trôi nổi để trị Covid-19

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), các loại thuốc trôi nổi trên thị trường không có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19, người dân cần tỉnh táo để tránh “tiền mất tật mang”.

Người bệnh chỉ nên sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó có thuốc kháng vi rút Molnupiravir, đã được đưa vào thử nghiệm cho F0 triệu chứng nhẹ tại TP.HCM. Thuốc này không dùng cho F0 không triệu chứng.

Mới đây, Tenofovir có hoạt tính kháng vi rút HBV vốn được dùng cho điều trị viêm gan B hay HIV bỗng trở thành “hàng hiếm”, được săn lùng khắp nơi. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định loại thuốc này không giúp kháng lại SARS-CoV-2.

Không chỉ vậy, một số đơn thuốc không rõ nguồn gốc còn kê các loại thuốc kháng sinh dùng trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn, thuốc trị nấm, ký sinh trùng Fluconazole… với liều dùng chi tiết cũng được dân mạng chuyền tay nhau. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo các loại thuốc kể trên đều không tác dụng chữa Covid-19. Việc cho F0 uống các loại thuốc này còn có thể gây hại cho cơ thể người bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, F0 khi nhận toa hay túi thuốc phải tra cứu trên mạng hoặc liên hệ các bác sĩ để xác định thuốc nào là thuốc bổ, thuốc nào là thuốc chữa triệu chứng. Chỉ uống theo toa đối với thuốc bổ.

Riêng với thuốc chữa triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, chỉ uống khi xuất hiện triệu chứng, không được uống liên tục. Các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng.

Theo các chuyên gia, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người bệnh và người nhà bệnh nhân nên thận trọng và tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.

Theo Cục Quản lý dược, gần đây cục có cho phép nhập khẩu một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose để phục vụ thử nghiệm điều trị COVID-19 hoặc sản xuất thuốc để xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu 24 cơ sở nhập khẩu nguyên liệu sản xuất Molnupiravir, Favipiravir sử dụng nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu đúng mục đích, theo công văn đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của Cục Quản lý dược.

Thủy Tiên

Bình Luận

Tin khác

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

(CLO) Sở Y tế TP HCM vừa phát hiện và xử lý cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép, núp bóng một phòng khám đa khoa.

Sức khỏe
Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

(CLO) Nạn nhân khi đến trạm y tế phường đã trong tình trạng bất động, lay gọi không biết, toàn thân lạnh, da tái nhợt, mạch cảnh không bắt được.

Sức khỏe
TP HCM sẽ kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học

TP HCM sẽ kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học

(CLO) Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, TP HCM sẽ kiểm tra đột xuất bếp ăn của các trường học, không còn kiểm tra báo trước.

Sức khỏe
TP HCM xử phạt, đình chỉ hoạt động 2 cơ sở quảng cáo và cung cấp dịch vụ nam khoa 'chui'

TP HCM xử phạt, đình chỉ hoạt động 2 cơ sở quảng cáo và cung cấp dịch vụ nam khoa 'chui'

(CLO) Thanh tra Sở Y tế TP HCM vừa tiến hành thanh tra và xử phạt 2 đơn vị quảng cáo và cung cấp dịch vụ "nam khoa" trái phép là Công ty TNHH Saigon Shine và UCI International.

Sức khỏe
TP HCM: Nhiều nhà thuốc bị xử phạt do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc

TP HCM: Nhiều nhà thuốc bị xử phạt do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc

(CLO) Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã công bố danh sách cơ sở vi phạm lĩnh vực dược - mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Trong đó có nhiều lỗi vi phạm như bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc hay hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe