Tiểu hành tinh khổng lồ lướt qua Trái Đất
(CLO) Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), một tiểu hành tinh khổng lồ, lớn gấp hai lần tòa nhà Empire State của Mỹ, đã lướt qua Trái Đất vào hôm thứ Năm (28/4).
May mắn là tiểu hành tinh này đã lướt qua mà không có sự va chạm nào với Trái Đất. Với kích thước đường kính ước tính từ 350 đến 780 mét và vận tốc bay khoảng 37.400 km/h, một thảm họa sẽ xảy ra đối với loài người nếu nó va chạm với Trái Đất.
Hình ảnh chụp từ vũ trụ của tiểu hành tinh 418135 (2008 AG33) khi lướt qua Trái Đất. Ảnh: The Sun
Tiểu hành tinh này được các cơ quan hàng không vũ trụ gọi với cái tên 418135, hay 2008 AG33, khi cách Trái Đất khoảng 3,2 triệu km thì di chuyển với tốc độ gấp 30 lần tốc độ âm thanh.
Nasa đã đánh số và theo dõi bất cứ vật thể vũ trụ nào cách Trái Đất khoảng 193 triệu km. Các nhà thiên văn học sẽ giám sát chặt chẽ, thu thập các thông tin về độ lệch quỹ đạo để đối chiếu với dự báo. Nếu chúng có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất, cảnh báo sẽ được đưa ra.
Thế giới bên ngoài vũ trụ luôn tiềm ẩn những điều hết sức kì bí mà con người cần phải khám phá. Tiểu hành tinh 2008 AG33 lần đầu được phát hiện bởi các nhà thiên văn tại đài quan sát Lemmon SkyCenter tại bang Arizona, Mỹ vào năm 2008.
NASA cho biết 2008 AG33 có quỹ đạo lặp lại và sẽ lướt qua Trái Đất trong khoảng 7 năm mỗi lần. Tuy nhiên, đường đi của các tiểu hành tinh có thể thay đổi, đó là lý do tại sao NASA đang để mắt đến các tiểu hành tinh gần Trái Đất.
Để đối phó với trường hợp xấu, NASA từng thử nghiệm Sứ mệnh Chuyển hướng Tiểu hành tinh bằng cách phóng tàu vũ trụ đâm lệch hướng quỹ đạo của nó. Trung Quốc cũng đã thử chuyển hướng tiểu hành tinh bằng cách bắn 23 quả tên lửa vào tiểu hành tinh Bennu vào ngày 5/3 vừa qua.
Ngọc Anh (Theo BGR)