Tìm hiểu nghi lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
(CLO) Người Việt Nam ai cũng biết phải cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng nhiều người vẫn chưa rõ ông Công ông Táo là ai và mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thế nào là “đúng chuẩn”.
Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện ác của con người.

Hình ảnh Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ
Trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", sự tích ba ông đầu rau nói về nguồn gốc "vua bếp hai ông một bà" gồm người vợ là Thị Nhi (Nhi nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao (Cao nghĩa là tinh bột, ám chỉ gạo) và người chồng sau là Phạm Lang (Lang còn có âm đọc là Canh - món canh).
Khi "cơm không lành, canh không ngọt", cả ba người gặp bi kịch mà phải chịu thân phận đen đủi, lem luốc của ba ông đầu rau. Họ hóa thân cho bếp lửa gia đình luôn ấm cúng. Có lẽ từ ý nghĩa này mà dân gian gọi Táo quân là vị thần định phúc, quản về nhân sự trong gia đình.
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phúc đức cho gia đình. Tất nhiên, phúc đức này phải đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi nhà đều làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng nhất có thể với mong muốn các vị thần sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn.
Cúng ông Công ông Táo là phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (từ 11h - 13h) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Thần bếp quy tụ để chuẩn bị về trời, nên lễ cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Hiện nay, do nhiều gia đình bận công việc, họ có thể làm cỗ cúng ông Công ông Táo vào thời điểm khác trong ngày, nhưng cũng không được muộn quá tối ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp
Một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng 23 tháng Chạp truyền thống là bộ ông Công ông Táo. Thông thường, bộ ông Công ông Táo đầy đủ sẽ bao gồm: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy. Mũ dành cho Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn. Những chiếc mũ này được trang trí bằng các dây kim tuyến lóng lánh.
Đồng thời, gia chủ phải mua 3 cá chép, tượng trưng cho phương tiện tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Ngày nay, cá chép có thể là cá sống hoặc làm bằng giấy. Ngoài bộ ông Công, ông Táo, người ta còn mua thêm tiền vàng cho lễ cúng 23 tháng Chạp.
Lễ vật trên ban Thổ Công, ngoài mũ, áo, hia, bài vị còn có thêm cây mía (làm gậy chống), giấy vàng, giấy bạc, trầu, cau, nước, hoa quả. Là ngày lễ lớn đặc biệt nên 23 tháng Chạp thường có thêm mâm cỗ mặn và rượu. Làm lễ cúng xong sẽ phóng sinh cá chép ra ao hoặc ra sông hồ hoặc hóa (đốt) nếu là cá chép giấy, cá sẽ đưa ông Công ông Táo lên chầu trời.
Thế Vũ