(NB&CL) Xâm nhập hệ thống bầu cử Mỹ, lấy thông tin cử tri, tấn công vào nhiều tờ báo… tin tặc một lần nữa trở thành “tâm điểm” trên nhiều phương tiện truyền thông thời gian qua.
Tấn công dữ liệu bầu cử Mỹ
Các quan chức tình báo Mỹ cho hay tin tặc đã đánh cắp đến 200.000 hồ sơ của cử tri tại bang Illinois. Cơ quan phụ trách bầu cử ở bang này đã phải tắt hệ thống đăng ký cử tri trong vòng 10 ngày hồi cuối tháng 7.
Ông Matt Roberts, phát ngôn viên của chính quyền bang Arizona cho biết Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã lưu ý với giới hữu trách tại bang về vụ tấn công mạng. FBI phát hiện tên đăng nhập và mật khẩu của một quan chức phụ trách bầu cử ở bang Arizona bị phát tán trên mạng. Hệ thống máy tính được tắt trong nhiều ngày nhưng không có bằng chứng cho thấy hồ sơ của 3,4 triệu cử tri bị rò rỉ, theo ông Roberts. Ông này cũng cho hay chính quyền nghi ngờ người đứng sau vụ việc là một tin tặc Nga. Những vụ xâm nhập trên của tin tặc đã buộc FBI phải phát lệnh cảnh báo nguy cơ cho các quan chức tổ chức bầu cử trên toàn nước Mỹ, yêu cầu đề phòng những cuộc xâm nhập tương tự.
[caption id="attachment_118567" align="aligncenter" width="640"]
Đảng Dân chủ của bà Clinton (giữa) liên tục gặp những thông tin không hay về an ninh mạng.[/caption]
Đây không phải là lần đầu tiên tin tặc trở thành tác nhân gây rối bầu cử Mỹ. Trước đó, ngày 12/8, một nhóm tin tặc tự xưng “Guccifer 2.0” đã nhận trách nhiệm vụ tung hàng loạt số điện thoại, địa chỉ email của những thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ. Dữ liệu này gồm nhiều tập tin được đăng tải trên trang blog trực tuyến WordPress của Guccifer 2.0 vào ngày 12/8, trong đó cũng chứa những thông tin liên lạc của các thành viên và nhân viên trong cuộc vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Ngoài ra, nó cũng có thông tin về tài khoản đăng nhập của Ủy ban đảng Dân chủ về Chiến dịch Quốc hội (DCCC).
Theo Yahoo News, từ tình hình trên, FBI yêu cầu giới quan chức phụ trách công tác bầu cử trên toàn nước Mỹ cần áp dụng thêm các bước cần thiết để tăng cường bảo mật cho hệ thống máy tính của họ.
Tấn công nhiều cơ quan báo chí
Tờ The New York Times của Mỹ cùng nhiều cơ quan báo chí khác của Mỹ vừa được phát hiện bị hacker tấn công. Thông tin trên được chính tờ báo The New York Times xác nhận. Vụ tấn công được thực hiện trong tháng 8 này, nhằm vào văn phòng của tờ báo đặt tại thủ đô Moscow của Nga. “Chúng tôi liên tục theo dõi các hệ thống của chúng tôi với các công cụ và kỹ năng tốt nhất”, Eileen Murphy, đại diện của tờ báo The New York Times cho biết. “Chúng tôi chưa phát hiện bằng chứng nào cho thấy bất kỳ thông tin nội bộ nào trong hệ thống của chúng tôi, bao gồm các hệ thống tại văn phòng ở Moscow, đã bị xâm nhập hoặc tổn thương”.
Trước đó, nhiều thông tin được truyền thông Mỹ dẫn nguồn các quan chức cho biết tờ báo The New York Times cùng với các cơ quan truyền thông khác không được tiết lộ danh tính đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng.
Các nguồn tin trên cho biết Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang xem xét âm mưu vụ tấn công nhằm vào The New York Times, nhưng không tiến hành điều tra các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan truyền thông khác. FBI sau đó không đưa ra bình luận về thông tin này.
Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo The New York Times trở thành mục tiêu tấn công của hacker nước ngoài. Trước đó vào năm 2013, một nhóm hacker đến từ Syria được biết đến với tên gọi “Quân đội điện tử Syria” đã thực hiện một loạt vụ tấn công nhằm vào The New York Times cũng như nhiều cơ quan báo chí khác của Mỹ. Cũng trong năm này, tờ báo The New York Times cũng đã trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc.
Một lần nữa, tin tặc Nga bị phía Mỹ cho là đứng đằng sau vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan truyền thông của Mỹ. Phía Nga thì phủ nhận những cáo buộc này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskovn khẳng định: “Nga không hề can dự và sẽ không bao giờ can dự vào chuyện nội bộ nước khác, đặc biệt là quá trình bầu cử ở các nước trong đó có cả Mỹ”. Các nhà phân tích cho rằng, dù FBI có tìm ra “điều gì đó” liên quan đến Nga hay không, trong mọi trường hợp, Mỹ đều cần có động thái phản ứng với Nga. Bài toán khó chính là động thái đó phải như thế nào, mức độ nặng - nhẹ ra sao để vừa không tỏ ra Mỹ là bên yếu thế, vừa không làm xấu hơn mối quan hệ vốn rất “băng giá” giữa Mỹ và Nga, nhất là khi Mỹ đang cần Nga trong giải quyết điểm nóng Syria và nhiều vấn đề khác.
Hà Trang