Fortnite là tựa game bắn súng, sinh tồn khá hấp dẫn thu hút hơn 200 triệu người chơi.
Fortnite là tựa game được phát hành miễn phí cho nền tảng iOS và gần đây nhất lấn sân qua Android, tuy nhiên nhà phát hành thu được cả tỷ đô la nhờ vào việc bán trang phục và vật phẩm cho người chơi.
Lợi dụng các lổ hổng về bảo mật tài khoản, các nhóm hacker tự phát hoặc bị lôi kéo đã dùng nhiều thủ thuật để chiếm quyền đăng nhập. Sau đó, họ sẽ ra soát từng tài khoản và kiểm tra chúng có đáng giá hay không? Và bán được bao nhiều tiền?
Theo những gì tiết lộ, một tài khoản có thể được bán với giá vài chục đến vài trăm đô la tùy thuộc vào số lượng và độ hiếm của các trang phục hoặc vật phẩm đi kèm.
Chia sẻ với BBC, một cậu bé 14 tuổi người Anh cho hay đã từng bỏ ra hơn 60 USD để mua trang phục trong tựa game Fortnite, tuy nhiên vì lý do gì đó mà tài khoản bị đánh cắp và không thể truy cập được.
Đáng tiếc hơn, cậu bé này đã kích hoạt tính năng bảo vệ 2 lớp nhưng vẫn thất bại trong việc bảo vệ tài khoản. Bất lực sau khi tìm đủ cách để khôi phục tài khoản, cậu bé này đã quyết đinh bỏ ra 30 USD để mua lại một tài khoản khác đang được ra bán công khai. Vài ngay sau, một nhóm "hacker" đã tiếp cận cậu bé và ngỏ ý mời tham gia vào nhóm "đánh cắp tài khoản".
Sau khi gia nhập, hacker trẻ tuổi này được "đào tạo" bài bản theo lộ trình. Đầu tiên họ sẽ chỉ cho cậu bé cách lấy danh sách tài khoản bị rò rỉ, sau đó là cách mua và sử dụng các công cụ hack có sẵn và cài cắm chúng vào trang đăng nhập của Fortnite.
Và cuối cùng là kỹ thuật "qua mặt" chế độ bảo vệ 2 lớp để chiếm hoàn toàn quyền sử dụng của tài khoản bị đánh cấp. Hacker 14 tuổi này cũng chia sẻ chỉ cần học qua 1 lần là có thể thực hiện ngay lập tức, và cậu đã nắm trong tay hơn 1.000 tài khoản Fortnite chỉ trong 1 ngày. Điều này giúp cậu bé kiếm được 1.900 USD trong tuần đầu tiên trở thành hacker.
Một số trường hợp khác cũng tiết lộ câu chuyện trở thành hacker của mình với BBC, một cậu bé 17 tuổi đến từ Slovenia kiếm được 20.000 USD trong 7 tháng hay một cậu bé 15 tuổi sống ở Pháp vừa kiếm được gần 3.000 USD sau vài phi vụ trót lọt.
Có lẽ như vì quá trẻ tuổi nên các hacker này không biết được "hình phạt" gì đang chờ trước mắt nếu bị phát hiện. Cụ thể theo Bộ luật lạm dụng công nghệ ở Anh, người vi phạm sẽ nhận án phạt lên đến 2 năm tù nếu bị truy tố.
Hiện tại, Epic Games đơn vị vận hành chính thức tựa game Fortnite từ chối phát biểu và bình luận về vụ việc. Và dấu hỏi lớn đang được đặt ra là, làm thế nào để các hacker "mới vào nghề" này có thể qua mặt được tính năng bảo vệ 2 lớp? Vốn được xem là chốt chặn bảo mật cuối cùng của người dùng.
Hoàng Anh/Theo BBC News