Tinh gọn bộ máy: “Liều thuốc mạnh” loại bỏ sự trì trệ, thiếu trách nhiệm
(NB&CL) Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ rõ là cuộc cách mạng cần phải làm ngay, làm quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất. Và đây, như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm, sẽ “liều thuốc đủ mạnh” để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân,” “hành doanh nghiệp,” có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
1.“Lãng phí công chức”- đó là tiêu đề một bài viết đăng trên một tờ báo cách đây hơn 10 năm. Bài báo nhấn mạnh tới thực trạng ở cấp địa phương, đang nở rộ tình trạng cán bộ công chức “ăn cắp” giờ Nhà nước để làm việc riêng hoặc bù khú ở quán cà phê, quán nhậu trong giờ hành chính; đang phổ biến tình trạng cán bộ ăn lương Nhà nước nhưng “không cống hiến hết mình” đang làm trì trệ bộ máy công quyền và gây lãng phí lớn. Bài báo dẫn số liệu thời điểm đó (2013), cả nước hiện có 2,8 triệu công chức, trong đó có khoảng 840.000 người đang làm việc “vật vờ” (30%). Tính mức thu nhập trung bình mỗi người 2 triệu đồng/tháng thì số tiền hằng năm ngân sách trả lương cho họ không nhỏ. Bài báo nhận định: Một trong những lãng phí lớn nhất là thời gian, con người. Đáng nói hơn, cách làm việc “vật vờ” còn làm giảm đi niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Bởi tiền trả lương cho công chức là từ tiền thuế của dân nhưng họ lại không nhận được dịch vụ tốt từ bộ máy Nhà nước… Về lâu dài, nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức, không đánh giá chất lượng công chức bằng hiệu quả công việc thì tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” sẽ còn phổ biến.
Cũng thời điểm đó, trả lời phỏng vấn báo chí xung quang thực trạng cán bộ công chức “ăn cắp” giờ Nhà nước, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho hay, xử lý việc này không khó. “Quản lý đầu công việc theo tôi là giao việc, kiểm tra việc, đánh giá chất lượng của công việc. Đối với cán bộ ham chơi theo tôi trước tiên phải giáo dục, nhắc nhở ý thức làm việc. Những người nếu đã bị giáo dục, nhắc nhở mà vẫn tiếp tục ham chơi, chểnh mảng với công việc, “ăn trộm” thời gian của Nhà nước thì nên cho thôi việc, loại ra khỏi bộ máy”.

2.Xử lý việc này không khó, và cũng đã có rất nhiều vụ việc đã được xử lý nghiêm khắc, những quy định về đạo đức công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, Đề án Văn hóa công sở cũng đã được ban hành và đưa vào thực thi. Tuy nhiên, từ bài báo đó cho đến nay, hơn một thập kỷ đã trôi qua, căn bệnh “ăn cắp giờ công”, “tham nhũng thời gian công sở”… vẫn cứ là căn bệnh dai dẳng khó chữa.
Tình trạng sáng “đủng đỉnh” đến cơ quan điểm danh cho đủ, rồi “đủng đỉnh” đi ăn sáng, đi làm việc riêng… vẫn chẳng khó để nhận diện tại nhiều cơ quan công sở trên khắp các địa phương trong cả nước.
Đơn cử như trong lần kiểm tra đột xuất trong giờ hành chính sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tại Quảng Trị phát hiện không ít cán bộ “ăn cắp” giờ công.
Hồi tháng 11/2023, khi dư luận xôn xao trước thông tin nhiều lãnh đạo cấp sở ở Bắc Ninh đánh golf trong giờ làm việc, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức bỏ giờ hành chính đi chơi golf là hành vi gian dối, ăn cắp thời gian hành chính của Nhà nước.
Hay mới đây, ngày 22/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải ra văn bản lưu ý cán bộ không để trào lưu luyện tập pickleball làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc được giao…. Đánh golf, luyện tập pickleball, làm việc riêng… trong giờ hành chính… dù khác nhau về phương thức thể hiện nhưng bản chất vẫn là “căn bệnh” “giả vờ làm việc, giả vờ lãnh lương”, sống bám vào cơ quan nhà nước, “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”. Mà phàm đã sao nhãng, trốn tránh giờ làm việc thì chuyện trây ì, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc song hành như một lẽ đương nhiên. Chính đây là nguyên nhân gây ra sự mất lòng tin của người dân vào một bộ phận công chức, viên chức.
Phàm đã là bệnh, là phải chữa, là u nhọt thì phải gạt bỏ, là loạn thì phải trị… dù đó là là bệnh nan y, dai dẳng đến đâu. Với căn bệnh “ăn cắp giờ Nhà nước”, “lãng phí công chức”, “lãng phí công sở”, nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng, chúng ta đã xử lý rất nghiêm khắc, thì trong đạo đức công vụ, trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao để cán bộ không bỏ giờ hành chính đi làm việc riêng, đi chơi golf, đi lễ chúng ta cũng cần xử lý nghiêm như vậy. Thậm chí, cần một cuộc cách mạng để làm mới bộ máy công, phải thực hiện thường xuyên việc kiểm tra kỷ cương hành chính.

“Thời điểm hiện tại có thể xem là cơ hội chín muồi để hiện thực hóa mục tiêu này. Sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
3. Và giờ đây, cuộc cách mạng ấy đã đến. Phát biểu chủ đạo tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, hiện nay là thời điểm, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Không thể chậm trễ hơn được nữa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém.
“Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém”- đó là thông điệp phải được thấu cảm trọn vẹn trong cuộc “cách mạng tinh gọn bộ máy” lần này. Tinh gọn để sàng lọc kỹ càng những người thực sự là “công bộc của dân”, loại bỏ cho sạch những trì trệ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm… Nói như đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đây là thời điểm rất phù hợp để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng này và đã là cách mạng thì bao giờ cũng có sự hy sinh. Hy sinh để có lại điều quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho bộ máy chính trị, trên hết là lấy lại và nuôi dưỡng niềm tin của người dân, để người dân không cảm thấy những đồng tiền thuế mà họ đóng góp bị lãng phí.
Tất nhiên, như khuyến nghị của Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trong việc thực hiện tinh giản cần lưu ý đến việc thực hiện chính sách với những nhân lực dôi dư, cần có chế độ chính sách phù hợp, rõ ràng, cụ thể để những người có thể bị tinh giản sắp tới có thể hài lòng, vui vẻ chuyển sang làm việc khác.
Thư Hà