Tỉnh Quảng Trị mới cần có sự đồng thuận xã hội, chiến lược quy hoạch bài bản và cơ chế chính sách linh hoạt
(CLO) Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, tỉnh Quảng Trị mới cần có sự đồng thuận xã hội, chiến lược quy hoạch bài bản và cơ chế chính sách linh hoạt, lấy người dân và nhà đầu tư làm trung tâm.
Sáng 8/7, tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Sáp nhập hai tỉnh là cơ hội lịch sử để tạo nên cực tăng trưởng mới
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ghi dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội và cả nước, với tinh thần cải cách thể chế toàn diện, sắp xếp bộ máy mạnh mẽ và những quyết sách chiến lược mở đường cho giai đoạn phát triển mới của đất nước đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Đặc biệt, vào ngày 30/6, tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng chứng kiến lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. "Đây là dấu mốc lịch sử, một sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ đối với Quảng Trị và Quảng Bình, mà còn là bước ngoặt trong hành trình đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả", Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh là cơ hội lịch sử để tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ, cụ thể như: Mở rộng không gian phát triển; tối ưu hóa mạng lưới giao thông, thúc đẩy logistics và thương mại quốc tế, hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển mô hình kinh tế mở, hiện đại; du lịch đa dạng, bền vững; trở thành trung tâm năng lượng sạch; phát triển kinh tế biển; văn hóa phong phú.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc sáp nhập 2 tỉnh bước đầu cũng không tránh khỏi một số thách thức. Đơn cử như tâm lý lo lắng của cán bộ và người dân; vấn đề về bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương; phát triển kinh tế không đồng đều, mất cân bằng có thể xảy ra.

Cần có tư duy mới, tầm nhìn mới trong phát triển
Nhấn mạnh bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, tỉnh Quảng Trị mới cần có sự đồng thuận xã hội, chiến lược quy hoạch bài bản và cơ chế chính sách linh hoạt, lấy người dân và nhà đầu tư làm trung tâm, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, lãnh đạo phải tiên phong, đoàn kết; đảng viên, cán bộ, công chức cần nêu gương, bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, loại bỏ tư tưởng cục bộ, đặt lợi ích chung lên trên hết. Quan tâm chế độ, chính sách nhà ở, điều kiện việc làm, đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, đảm bảo hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động thông suốt, không gián đoạn, hiệu quả, đồng bộ; kịp thời điều chỉnh, xử lý vướng mắc, khó khăn phát sinh.
Xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 không chỉ là sự "chắp nối" giữa hai chiến lược cũ của Quảng Bình và Quảng Trị, mà phải là sự kết tinh của tư duy đổi mới, tầm nhìn liên vùng và khát vọng phát triển chung của một chỉnh thể lớn hơn, mạnh hơn và đa dạng hơn về quy mô, nguồn lực, vị thế và tiềm năng, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 nghiêm túc, bài bản, khoa học và đồng bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; xác định rõ vai trò của từng khu vực, khai thác tối đa tiềm năng và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ cho tỉnh Quảng Trị mới; tiếp tục đầu tư vào hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển thông qua tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, các trục động lực, hạ tầng khu kinh tế; rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và triển khai đồng bộ hạ tầng lưới điện, các công trình, dự án điện, trọng tâm là năng lượng tái tạo; chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế chủ lực; chú trọng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp số tại Đồng Hới và Đông Hà, khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên, phụ nữ, nông dân.
"Trong phát triển, cần có tư duy mới, tầm nhìn mới, không chỉ là những vấn đề nội tỉnh, mà là liên kết vùng, tỉnh xung quanh, như khu kinh tế phía Bắc là Hòn La giao với khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) để phát triển công nghiệp; phía Nam gắn kết với Huế để phát triển du lịch; phía Tây kết nối với Lào và Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế để phát triển kinh tế biên mậu; phía Đông hướng ra biển kết nối kinh tế biển với quốc tế", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách cho người có công; nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô, Chứt, Rục…
Tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để lan tỏa thông tin chính thống, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin trong nhân dân đối với việc sáp nhập 2 tỉnh và triển khai đơn vị hành chính 2 cấp...