Tình trạng thiếu thuốc đã được xử lý như thế nào?
(CLO) Bộ Y tế thừa nhận, thời gian qua, có thực trạng ở một số nơi, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc gây nên tình trạng thiếu thuốc cần thiết để chỉ định sử dụng cho bệnh nhân.
Ngày 12/3, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, cử tri tiếp tục kiến nghị mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế vì khi người dân nằm viện thuốc được hưởng bảo hiểm y tế rất ít do đó phải ra bên ngoài mua với giá rất cao.
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị cần sớm khắc phục tình trạng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở để người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế.

Sau đại dịch COVID-19 đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế (ảnh minh họa - nguồn Internet).
Trả lời về vấn đề này, theo Bộ Y tế, ngày 16/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 37/2024/TT-BYT, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp.
Tuy nhiên, việc bổ sung danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế vào phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế cần được xem xét cẩn thận để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Về tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Bộ Y tế thông tin, thời gian qua, có thực trạng ở một số nơi, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc gây nên tình trạng thiếu thuốc cần thiết để chỉ định sử dụng cho bệnh nhân.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, như tác động của dịch bệnh nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm, việc nhập khẩu, cung ứng thuốc khó khăn, giá thuốc tăng cao so với trước nên các đơn vị cung ứng khó khăn và hạn chế hơn trong việc tham gia dự thầu,… còn có các nguyên nhân chủ quan như do cơ chế đấu thầu, vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia và cấp địa phương, thiếu nhân lực thực hiện công tác đấu thầu,…
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã được ban hành như Luật Đấu thầu và Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;
Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã góp phần giải quyết khó khăn trong vấn đề mua sắm đấu thầu nói chung cũng như mua sắm thuốc nói riêng.
Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn, bổ sung trong công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hỗ trợ cho đơn vị có chức năng đấu thầu tập trung quốc gia;
Đề nghị người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót và rút kinh nghiệm trong công tác đấu thầu.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ Bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh phải tự mua thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc, thiết bị y tế theo quy định tại Thông tư số 22/2024/TT- BYT, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người bệnh. Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có quy định về điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thuốc, thiết bị y tế không có sẵn và không thể thay thế.
Các giải pháp này góp phần tăng cường công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.