Tỉnh về thì huyện …mổ trâu

Thứ ba, 17/03/2020 17:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) 50 tỷ đồng đang là số tiền được nhắc đến nhiều nhất tại Thanh Hóa trong những ngày gần đây. Đáng nói, nó không phải là số tiền quyên góp ủng hộ để chống đại dịch Covid -19 hay ủng hộ người nghèo mà là khoản nợ do ăn uống, tiếp khách…quá đà của cơ quan Huyện ủy, UBND huyện Yên Định.

Yên Định là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Bắc Miền Trung

Yên Định là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Bắc Miền Trung

1. Năm 2014, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Một năm sau, địa phương này trở thành huyện Nông thôn mới đầu tiên của xứ Thanh và khu vực Bắc Trung bộ. Đó là thành tích “vô tiền khoáng hậu” ở một tỉnh nghèo như Thanh Hóa lúc bấy giờ.

Nói đến Yên Định là nói đến một vùng nông thôn trù phú đang trỗi dậy, vươn mình trong thời kỳ đổi mới. Rất nhiều địa phương, đơn vị trong nước, trong tỉnh nô nức kéo đến đây để học tập kinh nghiệm phát triển. Yên Định trở thành tấm gương, thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng Nông thôn mới ở xứ Thanh. 4 năm, sau ngày Yên Định đón nhận danh hiệu huyện chuẩn nông thôn mới, Thanh Hóa mới có thêm một vài huyện nông thôn mới tiếp theo. Nhiều địa phương ở xứ Thanh đã nhìn Yên Định mà học tập, mà phấn đấu vươn lên.

Ngay sau khi cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu Nông thôn mới hạ xuống, Yên Định đã ngay lập tức phải đối mặt với tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Để trở thành lá cờ đầu của tỉnh Thanh Hóa, nhiều xã trong toàn huyện đã phải gồng mình gánh nợ. Dù sao nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng Nông thôn mới là tình trạng khá phổ biến tại các địa phương và có thể hiểu được khi đặt dưới mục tiêu vì sự phát triển của quê hương. Nhưng….

2. Tháng 3/2020, 6 năm sau ngày Yên Định được phong Anh hùng, 5 năm sau ngày được công nhận chuẩn Nông thôn mới, cơ quan Huyện ủy và UBND huyện này đang gánh trên vai khoản nợ lên tới hơn 50 tỷ đồng. Lần này không phải là nợ đọng xây dựng nông thôn mới mà là nợ khó trả do chi tiêu “vô tội vạ” vào thời điểm huyện đón nhận 2 danh hiệu cao quý trên.

Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: nợ tiền sửa chữa cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.

Cách đây gần 4 năm, tháng 4/2016, Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Yên Định đã tổng hợp công nợ các năm 2012, 2013, 2014, 2015 của cơ quan Huyện ủy. Danh sách những người đứng ra chi tiền có tới 25 người là cán bộ, công chức cơ quan Huyện ủy với tổng số tiền lên tới hơn 23,6 tỷ đồng. Trong đó người chi nhiều nhất là một cán bộ thuộc Văn phòng Huyện ủy chi hơn 4,6 tỷ đồng. Được biết, thời điểm 2012 – 2015, Chủ tịch UBND huyện bà Ngô Thị Hoa; Bí thư Huyện ủy là ông Hoàng Cao Thắng (2 vị lãnh đạo này đã nghỉ hưu).

Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lưu Vũ Lâm (thời điểm 2012 – 2015 là Phó Chủ tịch UBND huyện) xác nhận: thông tin cơ quan Huyện ủy, UBND huyện vay nợ là hoàn toàn chính xác. Theo quy định, huyện không được phép vay, còn số nợ trên là do các lãnh đạo thời điểm đó vay để sử dụng vào những công việc của cơ quan và không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Do đó, số nợ trên huyện không thể giải quyết được.

3. Trong khi đó, bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện lại cho rằng mình không nắm rõ các khoản chi ngoài dự toán và khẳng định mình không làm sai. Thậm chí, vị cựu Chủ tịch huyện này còn đưa “tập thể” ra để “né” trách nhiệm: “Công việc chung thì tập thể bàn, tập thể quyết…Nếu khoản ngoài dự toán phải đưa ra tập thể bàn chứ làm thì mình được quyết. Hồ sơ đang nằm phòng tài chính chứ bản thân tôi cũng không biết (nợ) nó bao nhiêu cả”. Bà Hoa cũng không quên “kéo” nguyên Bí thư Huyện ủy thời điểm đó là ông Hoàng Cao Thắng vào cuộc: “Tôi cũng có nói với anh Thắng, Bí thư Huyện ủy để tìm giải pháp. Lúc đó anh Thắng cho rằng, công việc thì cứ phải làm, chẳng lẽ do định mức (ngân sách) thấp mà mình lại ngồi không làm việc”.

Cuối cùng “quả bóng trách nhiệm” được nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định “đá” về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: “Từ năm 2012, nói thật là khi mà tỉnh tổ chức hội nghị mô hình nông thôn mới tại huyện Yên Định, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ cũng đề nghị huyện tiếp các đoàn đến thăm, học tập mô hình xây dựng nông thôn mới. Nói là Yên Định cứ đón tiếp nồng nhiệt đi rồi tỉnh sẽ hỗ trợ. Sau đó tỉnh cũng có hỗ trợ nhưng ít” – bà Hoa trần tình.

Công sở huyện Yên Định thuộc diện đẹp nhất tỉnh Thanh Hóa

Công sở huyện Yên Định thuộc diện đẹp nhất tỉnh Thanh Hóa

4. Trước đó, các năm 2018 và 2019, tại Thanh Hóa từng xảy ra những câu chuyện “nực cười” liên quan đến “miếng bánh” ngân sách dùng để …tiếp khách. Đó là chuyện Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa có tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ… chỉ đạo khắc phục thiên tai bão số 5. Tiếp nhận đề xuất của huyện Quan Hóa, thay vì “bác” đề xuất kỳ lạ, thì Sở Tài chính lại lập luận: Quan Hóa là huyện núi cao, huyện nghèo (30a) nên : “nguồn thu trên địa bàn thấp, nguồn tăng thu hàng năm không đáng kể; đặc biệt chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 5; do vậy huyện không có khả năng cân đối được nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trên. Để giảm bớt khó khăn cho huyện, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác chỉ đạo và tiếp đón các đoàn đi cứu trợ đồng bào bị thiên do cơn bão số 5 gây ra…”.  Theo lập luận của các cơ quan này, thì không cần phải là điển hình hay tấm gương, ngay cả trong lúc khó khăn nhất, tiếp khách vẫn là việc …thường ngày ở huyện.

Năm 2019, cũng qua một cơn bão, chuyện xin tiền ngân sách để tiếp khách ở Thanh Hóa tiếp tục bị …phát lộ. Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bổ sung kinh phí hoạt động đặc thù năm 2019 với tổng số tiền 1.500.000.000 đồng (Một tỷ năm trăm triệu đồng), trong đó có 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) tiền tiếp khách. Theo lý giải của Chủ tịch UBND huyện là do năm 2019 nhiều đoàn khách của các bộ, ngành, của tỉnh lên thăm và làm việc với huyện Mường Lát. Đây là niềm tự hào phấn khởi của cán bộ và nhân dân huyện nhà nhưng cũng vì thế mà huyện gặp không ít khó khăn trong việc bố trí ngân sách phục vụ các đoàn khách nêu trên. Nhiều khoản chi tiếp khách lớn hiện vẫn chưa có nguồn thanh toán.

5. Câu nói của ông Hoàng Cao Thắng, Bí thư Huyện ủy Yên Định thời… “mắc nợ” theo trần tình của bà nguyên Chủ tịch Ngô Thị Hoa: “công việc thì cứ phải làm, chẳng lẽ do định mức (ngân sách) thấp mà mình lại ngồi không làm việc” đáng để suy ngẫm. Dù biết việc ăn uống nhà hàng, nghỉ khách sạn, tiếp khách, xăng xe …có tiêu chuẩn định mức nhưng lãnh đạo huyện này vẫn “xé rào”. Nghĩa là biết sai nhưng vẫn cố tình làm, bởi : “hãy đón tiếp nồng nhiệt đi rồi tỉnh sẽ hỗ trợ”. Từ bao giờ, ăn uống, tiếp khách trở thành gánh nặng đối với những địa phương là mô hình, kiểu mẫu, lá cờ đầu?

Thực tế, nhiều địa phương cảm thấy …sợ khi được chọn làm điển hình. Riêng việc …tiếp khách đã ngốn hết không biết bao nhiêu thời gian của lãnh đạo và tiền bạc của dân. Ngặt nỗi, kinh phí tiếp khách, ăn uống ngoài dự toán thì không thể dễ dàng khép lại bằng hồ sơ. Và vì thế, cục nợ hơn 50 tỷ trở thành một bài toán tài chính không có lời giải.

Giờ đây, ngoái nhìn lại, bao nhiêu đoàn khách sẽ giật mình khi 5-6 năm trước đến Yên Định thăm mô hình nông thôn mới từng được đón tiếp trọng thị. Và, bao giờ gánh nặng tiên phong, nỗi khổ điển hình không còn là nỗi khiếp đảm của những vùng quê.

Quang Duy

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn