Tổ công tác phải có "sản phẩm" cụ thể, không nói chung chung
(CLO) Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Tổ công tác) ngày 28/3 tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Tổ công tác xác định, thống nhất, nâng cao nhận thức trong xây dựng, rà soát hệ thống pháp luật. Đó là, văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn sẽ tác động, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, chính sách, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật”.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, tác động tiêu cực, nghiêm trọng, toàn diện đến kinh tế, xã hội đất nước, đời sống nhân dân, chúng ta đang phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển. Do đó, cần có các biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và tăng tốc khi dịch bệnh qua đi, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị Bộ Tư Pháp, Tổ công tác và các thành viên tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách.
Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị kiện toàn tổ chức, ban hành, triển khai kế hoạch của Tổ công tác ngay từ ngày 28/3. Trong đó xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát chuyên sâu, chuyên đề, lĩnh vực theo nhóm quy định để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ; rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan… để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Rà soát tiếp các vấn đề mà VCCI đã nêu, rà soát, đối chiếu lại kiến nghị của VCCI với các bộ, ngành cùng xem xét. Các bộ, ngành thấy vướng mắc và tự đề xuất bên cạnh sự rà soát liên ngành của Tổ công tác.
“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung tối đa nguồn lực thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác phải có sản phẩm cụ thể như kiến nghị sửa đổi cái gì, như thế nào chứ không nói chung chung”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Thứ hai, Tổ công tác bám sát kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung xác định đúng trọng tâm, phạm vi rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, cản trở phát triển, rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Tổ công tác cần phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; các kiến nghị, đề xuất cần cụ thể; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khơi dậy các động lực, tạo ra dư địa chính sách cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cán bộ giỏi từ các bộ, sự tham vấn các chuyên gia về các kiến nghị chính sách.
Ba là, thành viên Tổ công tác, Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực, Tổ giúp việc Tổ công tác, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Các thành viên Tổ công tác cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo và huy động sự tham gia, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, cơ quan mình trong việc thực hiện rà soát chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát kiến nghị theo lĩnh vực được phân công; hết sức quan tâm, tập trung nguồn lực, bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch và đặc biệt là bảo đảm chất lượng của kết quả rà soát theo các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, về tổ chức thực hiện, trong điều kiện khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu, cần kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng, khả thi, đúng chức năng nhiệm vụ, rõ trách nhiệm; bám sát tiến độ, kế hoạch hoàn thành các công việc với tinh thần hết sức khẩn trương, hiệu quả, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
PV