Tòa án nhân dân tối cao thành lập Ban tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp

08/02/2023 18:29

(CLO) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Quyết định thành lập Ban tổ chức Hội nghị triển khai công tác Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ban tổ chức Hội nghị gồm 15 thành viên do Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ làm Trưởng ban. Phó ban là ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC.

Ban tổ chức Hội nghị có trách nhiệm giúp Chánh án TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai công tác Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQTW ngày 9/11 2022 của Ban chấp hành Trung ương theo Kế hoạch số 20/KHTANDTC ngày 07/02/2023.

Trước đó, tháng 12/2022 TANDTC đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến gần 800 điểm đầu cầu TAND trong cả nước.

toa an nhan dan toi cao thanh lap ban to chuc hoi nghi trien khai cong tac cai cach tu phap hinh 1

Phiên tòa hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp diễn ra vào tháng 12/2022 tại TAND tỉnh Hòa Bình.

Nhìn lại năm 2022, TAND các cấp đã hoàn thành tất cả các đề án về cải cách tư pháp, gồm: Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Xây dựng luật pháp người chưa thành niên” và Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Công tác xét xử được đảm bảo, đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt là công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ; các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và tòa án đề ra (không quá 1,5%)

Trong công tác xây dựng pháp luật, TANDTC đã tổ chức xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 03 Pháp lệnh. Các pháp lệnh được xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, đã ghi dấu ấn quan trọng của TANDTC trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động tư pháp, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Cùng với đó, TAND các cấp đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về hòa giải, đối thoại tại tòa án, về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trong năm 2022, TAND các cấp đẩy mạnh chuyển đổi số, tiến tới xây dựng tòa án điện tử; đã xây dựng và ứng dụng hệ thống quản lý án tổng hợp, phần mềm Trợ lý ảo, tổ chức phiên tòa trực tuyến, tăng cường công tác đăng tải các bản án, quyết định đã có hiệu lực lên Cổng thông tin điện tử của tòa án…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tòa án nhân dân tối cao thành lập Ban tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO