Tộc người kỳ lạ có phong tục anh em một nhà lấy chung vợ
(CLO) Phong tục này xuất phát từ việc do đất đai ở đây kém màu mỡ, nếu mỗi anh em lấy một vợ khác nhau, đất có thể bị phân chia khiến gia đình trở nên nghèo khó.
Mustang trước đây là Vương quốc Lo, được sát nhập với Nepal từ khoảng cuối thế kỷ 18. Khu vực thượng Mustang hạn chế khách du lịch cho tới năm 1992, biến nơi này thành nơi được bảo tồn tốt nhất thế giới do cô lập với bên ngoài.
Bởi vậy, Mustang hiện nay vẫn giữ nhiều nét truyền thống và văn hóa của riêng mình.

Mustang trước đây là Vương quốc Lo ở phía bắc Nepal
Bộ tộc Mustang hiện có khoảng 7.000 người sinh sống nằm rải rác ở khu vực rộng chừng 2.000 m2 ở thung lũng sông Kali Ghandaki, nơi có độ cao cách mực nước biển chừng 2.800 đến 3.900 m.

Người Mustang rất sùng đạo Phật Tây Tạng, thể hiện qua nhiều lễ hội, tu viện
Cuộc sống của người dân nơi đây xoay quanh làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và phát triển du lịch (kể từ năm 1992). Hai loại cây trồng chính của họ là đại mạch và kiều mạch. Dù đã mở cửa, nhưng nơi này vẫn chỉ cho phép khoảng 1.000 du khách tới thăm mỗi năm.
Đến Lo Mangtang, du khách có cảm giác như tới thế giới khác. Khi đó, họ có thể bắt gặp cung điện nhà Vua là tòa nhà khổng lồ cao 4 tầng. Bên cạnh đó là một số tu viện lớn như Thugchen Gompa, được xây dựng vào thế kỷ 15.

Người Mustang có những phong tục lạ, trong đó gồm cả việc anh em cùng một nhà có thể lấy chung vợ
Bên cạnh đó, điểm hấp dẫn khác ở Mustang là những truyền thống văn hóa lâu đời của họ vẫn được gìn giữ cho tới ngày nay. Người Mustang có lối sống khá kỳ lạ khi tất cả các anh em trong gia đình đều có thể kết hôn chung với một cô gái còn độc thân.
Phong tục này xuất phát từ việc do đất đai ở đây kém màu mỡ. Nếu mỗi anh em lấy một vợ khác nhau, đất có thể bị phân chia khiến gia đình trở nên nghèo khó.

Mỗi năm nơi này chỉ đón khoảng 1.000 khách du lịch
Ngoài ra, do rất sùng đạo nên những lễ hội cầu nguyện là phần không thể thiếu trong cuộc sống bộ tộc. Gần như mỗi làng ở đây đều có một tu viện. Và sự lộng lẫy của các tu viện tại Lo Manthang cũng cho thấy vị trí quan trọng của tôn giáo thế nào. Điều này còn thể hiện qua cấu trúc truyền thống gia đình, bao gồm con cả thừa kế tài sản gia đình, con thứ 2 sống ở tu viện khi khoảng 6-7 tuổi…