Tội ác cần được giải mã
Tội ác cần được giải mã
Ảnh minh họa
Đó là chỉ kể những vụ xâm hại tình dục trẻ em đã phát hiện được, chưa tính rất nhiều vụ bạo hành khác. Và điều đáng lo là tội ác với trẻ em không chỉ là số lượng mà đang leo thang đến những đỉnh tàn bạo mới.
Chưa có con số thống kê vụ hiếp và giết trẻ em xảy ra tại Hà Nội vừa qua là vụ thứ bao nhiêu trong năm 2012 này, nhưng mức độ nghiêm trọng và tính chất khó giải thích của vụ án có thể là giọt nước đã làm tràn cốc nước. Tội ác đủ kiểu, đủ mức độ tàn ác đang thật sự đe dọa cuộc sống người lương thiện, nhất là trẻ em. Bộ máy công quyền, nhà trường, gia đình và có thể kể thêm, tôn giáo nữa, là những tấm lá chắn cho những “thiên thần hồn nhiên”, chưa từng được miễn dịch với tội ác. Nhưng diễn biến trong vài năm qua của tội ác xâm hại tình dục trẻ em cho thấy những tấm lá chắn ấy đang bị chọc thủng và nhiều thảm kịch đã xảy ra, mỗi ngày một tệ hại đến khó hiểu, khó tưởng tượng nổi.
Có những câu hỏi thường trực nảy ra trong đầu mỗi ngày trước tội ác, nhưng có vẻ như xã hội ta chưa ai có ý định trả lời. Tại sao tội xâm hại trẻ em lại xảy ra thường xuyên với khoảng năm vụ một ngày? Tại sao có hiện tượng leo thang về mức độ tàn độc? Tại sao hiếp lại hay đi đôi với giết khi thủ phạm thừa biết làm như thế sẽ phải đổi mạng? Tại sao tội ác lại xảy ra ở những nơi không thể ngờ tới như nhà trường, với những tên tội phạm không thể tưởng tượng nổi kiểu hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm và môi giới mại dâm với ngay cả học sinh của mình? Tại sao những tấm lá chắn bảo vệ lại bị xuyên thủng? Câu hỏi “từ khóa” quan trọng nhất, mấu chốt nhất của mọi vấn đề là: Lũ tội phạm này từ đâu đến, từ đâu chui ra?
Phá án, lôi thủ phạm đến vành móng ngựa để đền tội là nhiệm vụ của công an. Nhưng làm sao để tội ác không tiếp tục xảy ra, làm sao bảo vệ được con em là trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết, ngành xã hội học phải giải mã bằng được những câu hỏi do cuộc sống đặt ra, về nguyên nhân sâu xa của tội ác chứ không phải chỉ hời hợt thỏa mãn sự tò mò. Ví dụ, tại sao tên Lê Văn Luyện mới tý tuổi đầu đã lì lợm trở thành sát thủ máu lạnh? Tại sao tên Đặng Trần Hoài ở Hà Nội, đã 26 tuổi, có gia đình, vợ con, chưa có tiền án tiền sự lại “bỗng chốc” trở thành kẻ hiếp giết “đỉnh của đỉnh” man rợ, ẩn chứa nhiều tình tiết khó hiểu và khó hình dung nếu coi y là một con người thuộc xã hội loài người? Với những câu hỏi đó, người ta không thể tìm giải đáp thích đáng chỉ qua ý kiến của điều tra viên, phóng viên hay hồ sơ vụ án. Các nhà xã hội học không thể im lặng mãi.
Chúng ta thường dễ dàng quy nguyên nhân tội ác cho xã hội, cho những mâu thuẫn làm nảy ra ung nhọt. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng không chỉ đơn giản đưa ra những khái niệm muôn thuở rất quen thuộc, hoàn toàn đúng mà cha ông đã tổng kết như “thượng bất chính hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc”, “cha ăn mặn con khát nước”, “rau nào sâu nấy”… Hoặc, cạn nghĩ và dễ dãi hơn, người ta quy tội cho đồng tiền lên ngôi thay đạo đức, phim ảnh đồi trụy, games hay ma túy. Ai cũng biết nghĩ như thế, quy kết như thế không sai. Nhưng chỉ mới biết một cách hời hợt, biết để mà biết, xong rồi chui vào cái vỏ ốc an toàn của riêng mình. Cho nên, khắp nơi mọi chốn, nói chuyện với đủ loại người, chúng ta đều nghe những lời kêu ca, thắc mắc, ca thán và kết tội khá giống nhau về tham nhũng, về tội ác, về giáo dục con người, về đạo đức xuống cấp, kỷ cương rối loạn. Nhưng nói với nhau cho thỏa, nói để xả xì-trét, nói để mà nói chứ không phải để cùng nhau tìm ra giải pháp, nắm tay nhau thành “vòng tay lớn” chống lại tội ác ngay từ nơi sinh ra nó, bảo vệ sự an toàn thiêng liêng của thế hệ con em mai sau.
Đã đến lúc các nhà xã hội học không thể im lặng mãi. Cần nhiều, rất nhiều công trình nghiên cứu thành tâm, khách quan và dũng cảm để trả lời câu hỏi “từ khóa”: Lũ tội phạm này từ đâu đến? Ngăn chặn một Lê Văn Luyện, một Đặng Trần Hoài từ trứng nước, tạo ra cho chúng một môi trường, một xã hội lành mạnh có hiệu quả gấp ngàn lần trừng trị chúng bằng pháp luật sau khi tội ác đã xảy ra.
Theo PNO